Bí ẩn nằm trong cấu trúc kỳ lạ trong xương những con khủng long, thứ mà không một loài vật nào trên địa cầu, từ con người cho đến các động vật có vú khác, loài chim hay bò sát khác có được.
Trái với hình thù khủng khiếp và vững chãi của những "quái thú" kỷ Jura, khung xương của chúng lại vô cùng nhẹ nhàng và có độ đàn hồi cao, khiến những con vật này "bay bổng" hơn rất nhiều thân hình tưởng chừng đồ sộ, nặng nề của chúng, nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ cổ sinh vật học Tony Fiorillo từ Đại học Southern Methodist (Mỹ), cho biết.
Chân dung "quái thú" có bộ xương siêu nhẹ - ảnh: SMU
Nguyên nhân là tỉ lệ xương xốp của chúng rất cao. Xương xốp khủng long trông có vẻ dày đặc hơn, nhưng thật ra các cấu trúc xốp tinh vi hơn, cho độ nhẹ và bền chắc vượt trội so với phần xương xốp của các động vật khác.
Hài cốt được đem ra nghiên cứu thuộc về những hadrosaur, một trong những khủng long to lớn với trọng lượng hơn 3,6 tấn nhưng được nể nang bởi tốc độ và sự linh hoạt.
Xương của động vật có vú (B, C) và xương của khủng long (E,F). Cấu trúc xương khủng long có vẻ dày đặc hơn, nhưng xốp một cách tinh vi hơn, nhẹ và đàn hồi hơn rất nhiều - ảnh: SMU/PLOS ONE
Dù cho thân hình đồ sộ, những phân tích về hóa thạch và dấu chân cho thấy sinh vật ăn cỏ này di chuyển rất nhẹ nhàng qua các dạng địa hình phức tạp, chỉ trên 2 chân khá nhỏ bé.
Nếu không có độ xốp đáng kinh ngạc của xương, các con vật này sẽ nặng hơn trọng lượng nói trên rất nhiều. Độ đàn hồi giúp xương chịu được những cú nén mạnh hơn và tạo ra khả năng di chuyển đặc biệt linh hoạt. Ngoài ra, khác với mọi sinh vật Trái Đất, độ dày của xương khủng long không thay đổi khi kích thước cơ thể chúng tăng lên: càng lớn, xương càng xốp, càng đàn hồi hơn!
Cấu trúc đặc biệt này có thể tìm thấy trên 93% các loài khủng long ăn cỏ.
Theo gợi ý từ bài công bố trên tạp chí khoa học PLOS ONE, cấu trúc đặc biệt này có thể được nghiên cứu để ứng dụng cho nhiều ngành như xây dựng, hàng công, sản xuất xe cộ… bởi lẽ đó có vẻ là một trong những cấu trúc nhẹ và bền chắc nhất trong thế giới tự nhiên ở Trái Đất.
Bình luận (0)