Đài BBC hôm 20-7 đưa tin chiếc máy bay điện E-NXT do Công ty hàng không vũ trụ Electroflight và gã khổng lồ Rolls-Royce (đều của Anh) phát triển. Các kỹ sư chế tạo đang hy vọng nó sẽ phá kỷ lục thế giới về tốc độ dành cho một chiếc máy bay dùng năng lượng điện.
E-NXT được kỳ vọng có thể đạt tới tốc độ hơn 480 km/giờ, phá kỷ lục hiện tại là 342 km/giờ. Dự án được Rolls-Royce đặt tên là "Accel". Đây là một phần của nỗ lực phát triển công nghệ bay sử dụng điện nhằm giảm tác động xấu đối với môi trường.
E-NXT được phát triển trong 3 năm qua. Ảnh: BBC
Rolls-Royce đã hợp tác với Electroflight phát triển E-NXT trong 3 năm qua, đổ vào dự án số tiền 6 triệu bảng Anh (8,3 triệu USD). Một số kỹ sư của Electrofligh từng góp mặt trong lĩnh vực xe đua, trong khi Giám đốc điều hành Stjohn Youngman khởi nghiệp từ ngành công nghiệp xe thể thao.
"Trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, điện khí hóa là một công nghệ hoàn toàn mới và khó phát triển từ nền tảng truyền thống. Tuy nhiên, nếu mọi người nhìn vào nước Anh và khả năng kỹ thuật của chúng tôi, chúng tôi là các nhà lãnh đạo thế giới về máy tự động thích hợp, đặc biệt là điện khí hóa phương tiện dùng trong các môn thể thao tốc độ, chẳng hạn giải đua ô tô điện Công thức E" - ông Youngman nói.
Ông Youngman đang ứng dụng kiến thức từ ngành công nghiệp ô tô vào hàng không vũ trụ. Ảnh: BBC
Song việc chế tạo máy bay chạy bằng pin là thử thách thậm chí còn lớn hơn so với việc chế tạo ô tô chạy bằng pin. Để bắt đầu, một chiếc máy bay phải kéo pin lên trời và giữ chúng ở đó một cách lý tưởng.
Hệ thống pin dành cho E-NXT nặng 300 kg - gần bằng một nửa toàn bộ trọng lượng của máy bay. Vì vậy, Electroflight dành hầu hết thời gian để phát triển hệ thống pin, tính toán sao cho cân bằng giữa trọng lượng và công suất hoạt động.
"Không có bữa trưa miễn phí trong kỹ thuật. Bạn không thể đánh lừa vật lý" - ông Youngman bông đùa.
Bộ pin của E-NXT chứa 3 hệ thống pin độc lập. Ảnh: BBC
Các bộ pin được tạo thành từ hàng ngàn cục pin đơn lẻ. Ảnh: BBC
Nhiều chiếc xe thể thao có thể đạt công suất hơn 500 mã lực nhưng chúng chỉ cần sử dụng sức mạnh đó cho các lần "bứt tốc". Còn máy bay của Electroflight cần duy trì công suất cho toàn bộ quá trình phá kỷ lục - khoảng 8 phút. Ngay cả khi đang bay, pin sẽ chỉ hoạt động ở mức 60% dung lượng tối đa.
Để giảm trọng lượng, toàn bộ hệ thống pin được tích hợp trong vỏ carbon cứng. Động cơ, do đối tác Yasa (trụ sở tại TP Oxford - Anh) cung cấp, được cố định trực tiếp vào vỏ pin do sức mạnh khủng khiếp mà nó tạo ra.
Bình luận (0)