Nhóm nghiên cứu của Đại học Wiscosin – Milwaukee (Mỹ) trong hành trình nghiên cứu về sự kiện tuyệt chủng Great Dying Mass 252 triệu năm trước đã tìm thấy 13 mảnh hóa thạch của thực vật tiền sử ngay giữa lòng Nam Cực. Chúng đều có niên đại hơn 260 triệu năm tuổi.
Transantarctic Mountains - nơi một khu rừng xanh tốt thời tiền sử từng ngụ trị - ảnh: NEWSWEEK
Các mảnh hóa thạch nằm rải rác đánh dấu một khu vực rộng lớn từng là thảm thực vật tươi tốt. Rừng tiền sử không có sự đa dạng sinh học như hiện nay nên chủ yếu là dòng họ dương xỉ sinh trưởng.
Nhóm nghiên cứu đã mở rộng việc tìm kiếm hóa thạch thực vật để tìm hiểu thêm về sự thay đổi khí hậu toàn cầu trong thời điểm này, cũng như nguyên nhân của thảm họa diệt chủng.
Các nhà khoa học nghi ngờ rằng khu rừng này tồn tại từ thời siêu lục địa Gondwana, một hòn đảo khổng lồ bao gồm Nam Cực, châu Phi, Nam Mỹ, Úc, Ấn Độ còn dính liền với nhau.
Khu rừng nằm ở phía Nam siêu lục địa Gondwana, tức Nam Cực ngày nay - ảnh: NEWSWEEK
Cây cối ở đây phát triển theo hướng thích nghi được với nhiều kiểu khí hậu, bởi dù thời đó khí hậu có phần ấm áp hơn nhưng Nam Cực vẫn là vùng đất có những tháng trời cực kỳ lạnh giá, không có ban ngày.
Đáng tiếc, sự kiện tuyệt chủng toàn cầu Great Dying Mass 252 triệu năm trước mà nguyên nhân ban đầu là do phun trào núi lửa kéo dài ở Siberia đã chính thức xóa sổ khu rừng cùng nhiều giống loài khác trên trái đất. Mãi 20 triệu năm sau, trái đất mới hồi sinh với sự xuất hiện của loài khủng long.
Bình luận (0)