Luna-25 là tàu đổ bộ Mặt Trăng của Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos), trong khi những hình ảnh vừa được công bố về thứ có thể là "nơi an nghỉ" của nó được chụp bởi Tàu quỹ đạo Tinh sát Mặt Trăng (LRO) của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA).
Một hố va chạm mới xuất hiện ở khu vực khá gần cực Nam của Mặt Trăng trong hình ảnh của tàu LRO - Ảnh: NASA
Các hình ảnh mới mà NASA công bố bao gồm một bức ảnh chụp ngày 27-6 và một bức khác chụp ngày 24-8, cho thấy sự khác biệt rõ rệt trên bề mặt khu vực vành dốc của miệng hố khổng lồ Pontécoulant G gần cực Nam của Mặt Trăng, theo tờ Space.
Ảnh động cho thấy sự khác biệt của hình ảnh mới so với hình ảnh ngày 27-6 - Ảnh: NASA
So với hình ảnh ngày 27-6, hình ảnh cuối tháng 8-2023 xuất hiện thêm một dấu vết mới mà các nhà khoa học NASA cho rằng rất có thể là một hố va chạm không tự nhiên - tức không phải do thiên thạch.
Hố mới này có đường kính khoảng 10 m, nằm ở vĩ độ khoảng 58 độ Nam, cách địa điểm mà tàu vũ trụ Luna-25 của Nga đự dịnh hạ cánh khoảng 400 km.
Trước đó, tàu Luna-25 đã rời Trái Đất vào ngày 10-9, là sứ mệnh trở lại Mặt Trăng đầu tiên của Nga sau 47 năm.
Cũng như một số cơ quan vũ trụ khác trên thế giới, Roscosmos nhắm mục tiêu vào vùng cực Nam của thiên thể, nơi nhiều nhà khoa học nghi ngờ có băng nước, thứ có thể phục vụ cho một căn cứ không gian trong tương lai cũng như cung cấp nhiều thông tin quan trọng.
Thế nhưng rất tiếc Roscosmos đã mất liên lạc với tàu đổ bộ của mình ngay trước thời điểm hạ cánh dự kiến, ngày 19-8. Sau đó cơ quan này chính thức tuyên bố Luna-25 đã lao thẳng vào Mặt Trăng.
Bình luận (0)