Một cách không cố ý, nhiều hành tinh ngoài hệ Mặt Trời có thể đã ném vào các hệ thống kính viễn vọng của người Trái Đất những quả "bom ảo ảnh", che mờ hoàn toàn những dấu hiệu của sự sống mà chúng ta khát khao tìm kiếm.
Đó là kết luận của nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Prabal Saxena từ Trung tâm Chuyến bay vũ trụ Goddard của NASA. "Bom ảo ảnh" hay "bom quang hành tinh" thật ra là một kiểu ô nhiễm ánh sáng mạnh mẽ mà dữ liệu quang học của các kính viễn vọng có thể gặp phải.
Ánh đồ họa mô tả về một "bản sao Trái Đất" thuộc hệ sao khác - Ảnh: NASA
Nếu người ngoài nhìn Trái Đất và Sao Hỏa, hoặc Trái Đất và Sao Kim từ một vị trí thuận lợi ở rất xa, họ cũng có thể hứng phải một quả bom quang học tương tự - khi ánh sáng bị nhiễu khiến 2 hành tinh chỉ như 1 vật thể duy nhất.
Bom quang học này thực ra chỉ là ánh sáng "lang thang", hắt từ một hành tinh khác gần hành tinh mà chúng ta muốn quan sát. Thế nhưng với kỹ thuật quan sát ngoại hành tinh hiện nay - chủ yếu dựa trên quang phổ của vật thể để tìm hiểu về tính chất của nó, tìm kiếm các dấu hiệu hóa học của sự sống hay các thành phần khác... - ánh sáng này đủ phá hỏng tất cả.
Ví dụ, ánh sáng bị nhiễu có thể che mờ những dấu hiệu hóa học của một loại hợp chất đại diện cho sự sống, làm chúng ta "nhìn" nó thành một hợp chất khác khi xem xét quang phổ.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất một số biện pháp các nhà khoa học hành tinh nên ứng dụng khi tìm hiểu bất kỳ hành tinh xa xôi nào. Đó có thể là dùng nhiều hệ thống quan sát thiên văn để kiểm ra cùng một khu vực hoặc chỉ dùng một kính viễn vọng duy nhất nhưng quan sát với thời gian dài. Càng nhiều dữ liệu, càng dễ phân biệt đâu là ánh sáng thật, đâu là nhiễu sáng.
Bình luận (0)