Giải thưởng nói trên vừa được NASA công bố trên website chính thức và được nhiều tờ báo đưa tin. Giai đoạn 1, NASA sẽ lựa chọn 5 bản thiết kế hệ thống chuyển đổi CO2 thành đường hiệu quả nhất. Kết quả sẽ được công bố vào tháng 4-2019 và NASA sẽ trả 50.000 USD cho mỗi thiết kế.
Sao Hỏa - nơi NASA dự định xây căn cứ trong tương lai - ảnh: NASA
Giai đoạn 2, các nhà khoa học sẽ xây dựng và trình diễn hệ thống chuyển đổi của mình. Một hệ thống duy nhất chiến thắng sẽ nhận được 750.000 USD. Tổng giá trị giải thưởng là 1 triệu USD.
Ý tưởng nghe có vẻ điên rồ này thực ra đã được tính toán dựa vào các căn cứ khoa học: đường là một phân tử hữu cơ được kết hợp bởi các nguyên tử carbon, hydro và oxy. Việc kết hợp các nguyên tử này từ một hợp chất khác, thay đổi trình tự gắn kết để tạo ra đường là khả thi. Tuy nhiên, thứ NASA cần là một hệ thống thực sự hiệu quả, cho công suất cao và dễ sử dụng, phù hợp với những điều kiện hạn chế trên hành tinh đỏ.
Đường năng lượng cao có thể tạo ra thuốc men, thực phẩm, một số sản phẩm phục vụ công nghiệp và là vật liệu sản xuất ra năng lượng vi sinh.
CO2 có rất nhiều trên Sao Hỏa và từ lâu đã được NASA coi như một nguồn tài nguyên cần khai thác. Họ đang đẩy mạnh các công nghệ nhằm đưa con người lên Sao Hỏa, xây dựng căn cứ lâu dài tại đây. Nhưng vấn đề lớn nhất là tiếp tế cho căn cứ xa xôi đó sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Vì vậy, để chuẩn bị cho căn cứ này, NASA thậm chí đã nghiên cứu các giống cây trồng để cho lương thực tại chỗ. Mô hình "Mars Ice Home" – nhà băng giá Sao Hỏa mà NASA vừa trình làng cũng có hẳn một vườn thủy canh trong nhà. Họ cũng đang gấp rút tìm một nguồn nước dồi dào và dễ khai thác, nhằm phục vụ đời sống và dùng làm nhiên liệu tên lửa.
Ông Monsi Roman, người quản lý chương trình NASA’s Centennial Challenges, một phần trong Tập hợp Các sứ mệnh Công nghệ không gian của NASA, nói trên website của NASA: "Nếu chúng ta có thể biến đổi một nguồn tài nguyên hiện có phong phú như carbon dioxide thành nhiều loại sản phẩm hữu ích thì các ứng dụng khai thác được từ không gian và bề mặt các hành tinh là vô tận".
Bình luận (0)