Đoạn video vừa công bố cho thấy "mặt trăng tử thần" hình củ khoai tây của Sao Hỏa di chuyển ngang Mặt Trời ngày 2-4. Perseverance đã vô tình bắt được khoảnh khắc này trên hành trình di chuyển đến vùng châu thổ sông thuộc miệng hố khổng lồ Jezero rộng 45 km, nơi nó sẽ tìm kiếm bằng chứng của sự sống.
Phobos là một trong 2 vệ tinh tự nhiên của Sao Hỏa, nhỏ hơn mặt trăng của Trái Đất khoảng 157 lần. Mặt trăng Sao Hỏa còn lại là Deimos, thậm chí còn nhỏ hơn. Các nhà khoa học tin rằng cặp đôi này vốn là các tiểu hành tinh, bị Sao Hỏa bắt phải bằng lực hấp dẫn.
Đoạn video ngắn mà Perseverance đã ghi lại về nhật thực Phobos - Ảnh: NASA
Theo các nhà nghiên cứu từ NASA, quỹ đạo của các mặt trăng này không ổn định nên chỉ trong vài chục triệu năm nữa Sao Hỏa sẽ mất đi cả 2 mặt trăng theo 2 cách trái ngược nhau.
Deimos được dự báo sẽ... văng ra ngoài không gian; trong khi Phobos sẽ có cú tự sát đáng sợ: lao thẳng vào hành tinh mẹ, gây ra một vụ va chạm khốc liệt.
NASA đã thực hiện quan sát nhật thực Phobos kể từ năm 2004 bởi bộ đôi tàu thám hiểm Spitrit và Opportuinty, sau đó là bởi "công dân Sao Hỏa" nổi tiếng Curiosity. Tuy nhiên những hình ảnh trước đó không quá chi tiết.
Các nhà khoa học khắp thế giới rất hứng thú với hình ảnh mới này, bởi có thể cung cấp rất nhiều chi tiết ngoạn mục về mặt trăng tử thần.
Tờ Live Science dẫn lời nhà thiên văn học hành tinh từ Viện Khoa học không gian ở Boulder (Colorado, Mỹ): "Bạn có thể nhìn thấy các chi tiết trong bóng của Phobos, như các đường gờ và vết lồi trên cảnh quan của mặt trăng, cũng như các vết đen Mặt Trời theo góc nhìn từ Sao Hỏa".
Bình luận (0)