Theo thông báo từ NASA và JAXA (các cơ quan vũ trụ của Mỹ và Nhật Bản), vệ tinh gỗ LignoSat có thể rời Trái Đất vào mùa hè năm 2024.
Vệ tinh gỗ mộc lan này có kích cỡ bằng một ly cà phê, sẽ không trở thành những mảnh rác thải vũ trụ nguy hiểm sau khi hết thời hạn sử dụng bởi khả năng phân hủy sinh học.
Vệ tinh gỗ mộc lan LignoSat - Ảnh: NASA/JAXA
Nó sẽ không tự hủy trong môi trường chân không nơi quỹ đạo Trái Đất, tuy nhiên sau khi sử dụng, các cơ quan vũ trụ có thể điều hướng vệ tinh rơi ngược vào bầu khí quyển Trái Đất, nơi vật liệu gỗ dễ dàng cháy hết thành một loại tro mịn an toàn.
Theo Live Science, các cuộc thử nghiệm để tìm ra vật liệu gỗ tối ưu nhất cho vệ tinh đã được thực hiện trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) vào đầu năm nay.
Ba mẫu gỗ mộc lan, anh đào và bạch dương đã được thử nghiệm và không bị biến dạng khi tiếp xúc với môi trường không gian khắc nghiệt, vốn có sự thay đổi nhiệt độ đáng kể và ngập tràn các tia vũ trụ cường độ cao.
Cuối cùng gỗ mộc lan được lựa chọn vì nó ít có khả năng bị nứt, vỡ trong quá trình sản xuất.
Vệ tinh gỗ mộc lan của NASA và JAXA là một phần trong nỗ lực của các cơ quan vũ trụ khắp thế giới nhằm giải quyết vùng quỹ đạo Trái Đất ngày một trở nên nguy hiểm vì rác vũ trụ.
Ước tính có hơn 9.300 tấn vật thể không gian, từ các vệ tinh không hoạt động, các mảnh tên lửa đã qua sử dụng... đang quay quanh Trái Đất.
Các vật thể này làm tăng hơn 10% độ sáng tổng thể của bầu trời đêm, dẫn đến ô nhiễm ánh sáng, gây khó khăn cho hoạt động quan sát thiên văn.
Ngoài ra, các mảnh vỡ này là mối hiểm họa lớn cho các trạm vũ trụ, tàu vũ trụ bao gồm các vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất hoặc đang tìm đường rời khỏi Trái Đất.
Cách đây vài ngày, tàu vũ trụ Nga Progess MS-24 đang ghép nối vào ISS để tiếp tế hàng hóa đã phải "khai hỏa" hai lần để đẩy cả trạm bay lên cao hơn, một lần để né các mảnh vỡ, một lần vì bị đe dọa thật.
Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, ISS đã phải "bỏ chạy" tới 5 lần vì mối đe dọa từ các mảnh vỡ.
Thiếu may mắn hơn, Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) đã bị hư hại tới 3 phương tiện vũ trụ do các mảnh vỡ lao trúng gây rò rỉ chất làm mát, bao gồm một tàu chở người Soyuz, một tàu chở hàng Progress và một mô-đun ghép nối với ISS.
Vụ tai nạn xảy ra với tàu Soyuz đã khiến ba phi hành gia của NASA và Roscosmos mắc kẹt ở ISS thêm vào tháng, trong khi tàu chở hàng buộc phải lao xuống bầu khí quyển để tự bốc cháy, sau đó các mảnh vỡ nhỏ còn lại tiếp tục "yên nghỉ" dưới Thái Bình Dương.
Bình luận (0)