Theo Live Science, tính toán của NASA cho thấy một quả cầu lửa vũ trụ mới dự kiến sẽ va chạm với Trái Đất vào ngày 29-8, thổi bùng cực quang xung quanh Vòng Bắc Cực, trong khi những quả pháo vũ trụ mạnh hơn cấp M có thể đe dọa lưới điện, hệ thống vô tuyến, định vị... của người Trái Đất lần nữa.
Những vụ bùng nổ ánh sáng đã được Đài quan sát động lực học Mặt Trời (SDO) của NASA - là tàu vũ trụ "bất tử" đang quay quanh ngôi sao mẹ của Trái Đất - ghi nhận được.
Một cú "nổ súng" của Mặt Trời nhằm vào Trái Đất - Ảnh: SDO/NASA
Các loại pháo vũ trụ, cầu lửa vũ trụ này xuất phát từ vết đen mặt trời AR3089, vài ngày trước đã gây giật mình khi tăng dần kích thước và hướng thẳng về phía Trái Đất.
Một loạt các cú bắn phá đã tạo nên cực quang rực rỡ khắp vùng Bắc Cực hôm 26-8 cũng như làm một số vùng ở châu Âu, châu Phi bị mất điện vô tuyến sóng ngắn. Cùng thời điểm các quả cầu lửa, pháo sáng đó va chạm vào bầu khí quyển và từ quyển của Trái Đất, NASA đã chụp được loạt đạn mới đang khai hỏa - những cái sẽ va chạm vào ngày 29-8.
Pháo vũ trụ chỉ những vụ phóng năng lượng từ các vết đen Mặt Trời, làm nhiễu loạn từ trường Trái Đất, gây ra cái gọi là "bão địa từ" hay "bão Mặt Trời". Bão địa từ có thể ảnh hưởng đến lưới điện, hệ thống vô tuyến, định vị... cũng như các thiết bị liên quan đến các công nghệ nói trên.
Trong khi đó "cầu lửa vũ trụ", tức những vụ phóng khối lượng đăng quang (CME) là những quả cầu ánh sáng lớn bằng plasma, khi "dội bom" vào từ quyển sẽ tạo ra cực quang.
Bình luận (0)