Theo tờ Space, các tính toán cho thấy "lời cảnh báo" của tiểu hành tinh này sẽ đến vào ngày 25-3 bằng một cú áp sát với khoảng cách chỉ bằng một nửa khoảng cách từ Mặt Trăng tới Trái Đất, một khoảng cách rất gần đối với các vật thể không gian.
2023 DZ2 chỉ mới được phát hiện hồi tháng 2 năm nay và các phân tích từ dữ liệu của Đài quan sát La Palma (đặt tại quần đảo Canary) cho thấy nó có xác suất va chạm Trái Đất là 1/430 vào ngày 27-3-2026.
Tiểu hành tinh 2023 DZ2 và Trái Đất - Ảnh: NASA
Xác suất đó có thể là nhỏ, nhưng vì tác động của một cú va chạm là vô cùng đáng sợ nên các nhà khoa học cần nghiên cứu nó chặt chẽ.
Dữ liệu ban đầu cho thấy thiên thạch này có chiều dài khoảng 44 đến 99 m, một kích thước đủ gây phá hủy lớn nếu va chạm, theo Earth Sky.
Để so sánh, thiên thạch nổi tiếng Chelyabinsk nổ tung trên bầu trời nước Nga năm 2013 đã đủ làm hư hại 7.000 tòa nhà và 1.400 người bị thương, chủ yếu do các mảnh kính vỡ. Nó không va chạm nhưng sóng xung kích từ vụ nổ cự ly gần đã đủ gây thiệt hại kinh khủng. Nếu một thứ lớn gấp 3 lần trở lên như 2023 DZ2 va chạm trực diện, hậu quả khó lường.
Lần áp sát vào ngày 25-3 sẽ đem lại cho giới khoa học cơ hội nghiên cứu thêm về nó. Dự kiến nó sẽ lướt qua hành tinh với khoảng cách 173.000 km, tốc độ 28.044 km/giờ và có thể nhìn thấy bằng kính thiên văn loại có thị kính 15 cm trở lên từ tối 24-3.
Vật thể này có nguồn gốc từ vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, quay quanh mặt trời mỗi 3,17 năm một lần. Hiện NASA đang theo dõi tổng cộng 24 vật thể có cơ hội nhỏ va vào Trái Đất trong vòng 1 thế kỷ tới.
Bình luận (0)