Bộ hài cốt đặc biệt đã được 2 thợ lặn Vicente Fito và Iván Hernández tìm thấy trong một hang động dưới nước ở bán đảo Yucatan, Mexico, không còn hoàn toàn nguyên vẹn nhưng được đánh giá là đủ cho một cuộc phân tích toàn diện.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học PLOS One cho biết hộp sọ của người đàn bà bí ẩn đã vỡ nát, nhưng các nhà khoa học đã cố sắp xếp lại và phát hiện hộp sọ của cô có hình thái rất khác biệt với những người có hộp sọ dài, được cho là nhóm người duy nhất từng đến châu Mỹ vào thời tiền sử để rồi thành dân bản địa ở đây.
Bộ hài cốt tại hiện trường, một hang động dưới nước ở Mexico - ảnh: Stinnes beck at al
Điều này cho thấy, người đàn bà, ước tính khoảng 30 tuổi, thuộc về một nhóm người hoàn toàn khác với nhóm người được mặc định đã khai phá châu Mỹ. Nói cách khác, trong thời tiền sử, nhiều nhóm người đã di chuyển đến "tân thế giới" chứ không phải 1 như suy nghĩ trước đây.
Người đàn bà bí ẩn được đặt tên là Chan Hol 3, ước tính 9.900 đến hơn 10.000 tuổi, có đầu tròn, xương gò má rộng và trán phẳng. Những đặc điểm này tương tự 3 hộp sọ khác từng được tìm thấy tại các hang động Tulum (Mexico). Vì vậy bằng chứng mới này và các bằng chứng cũ đã củng cố lẫn nhau cho giả thuyết về nhiều tộc người cùng đến châu Mỹ.
Theo giáo sư – tiến sĩ Silvia Gonzalez từ Đại học Liverpool John Moores, thành viên nhóm nghiên cứu, hài cốt chỉ ra rằng có nhiều hơn một nhóm người đến châu Mỹ sơ khai, họ từ các điểm địa lý khác nhau trên phần còn lại của thế giới. Giả thuyết thứ 2 là trong một nhóm người lớn di cư đến châu Mỹ cổ đại, có một nhóm nhỏ đã đến được Bán đảo Yucatan (Mexico) và bị cô lập, để rồi cho ra đời những con người mang hình thái hộp sọ khác với nhóm còn lại.
Cho dù giả thuyết nào đúng, nó cũng cho thấy lịch sử định cư sớm của châu Mỹ phức tạp hơn và có thể có tuổi đời sớm hơn hàng ngàn năm so với những gì khoa học từng biết đến. Bởi nếu giả thuyết thứ 2 là đúng, nhóm bị cô lập phải cần một thời gian đủ dài để phát triển hình thái hộp sọ khác biệt.
Trước đó, người ta tin rằng người Mỹ bản địa Paleoindians thời đồ đá đã đi qua một "cây cầu" đất tự nhiên nối liền châu Á với Bắc Mỹ gọi là Beringia, trong kỷ băng hà cuối, tức 12.000 năm trước.
Bình luận (0)