Nghiên cứu phối hợp giữa Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Tubingen (Đức) dựa trên 300 hóa thạch của nhiều loài thuộc chi người đã chỉ ra một bức tranh tiến hóa đan xen phức tạp, mà nguyên nhân chính thúc đẩy là thứ khiến con người hiện đại lo lắng ngày nay: biến đổi khí hậu.
Các hóa thạch cho thấy các loài không chỉ tiến hóa khác nhau, mà mỗi loài còn tự tiến hóa theo 2 thái cực - lớn lên hoặc nhỏ đi.
Một số hóa thạch cổ đại xuất hiện trong nghiên cứu - Ảnh: Đại học Cambridge
Theo The Guardian, các nhà khoa học đã xác định nhiệt độ, lượng mưa và các điều kiện khí hậu khác mà mỗi hóa thạch trải qua khi họ còn sống và tìm được mối liên kết chặt chẽ giữa nhiệt độ và kích thước cơ thể.
Những giai đoạn lạnh giá mà loài người đã trải qua đã góp phần tạo nên cơ thể cao lớn của những loài người có niên đại gần với chúng ta, cũng như đối với những con người hiện đại cư trú ở khu vực lạnh của Trái Đất bởi một cơ thể lớn giúp tạo ra nhiều nhiệt hơn nhưng mất đi tương đối ít hơn.
Theo The Telegraph, những giai đoạn ấm lên của Trái Đất và những cuộc di cư rồi định cư ở vùng nóng ấm lại khiến nhiều thành viên trong thế giới loài người nhỏ đi - ngược với xu hướng được đoán ban đầu. Điều này có thể thấy rõ ở loài Homo sapiens chúng ta: ngày nay người dân sống ở vùng khí hậu lạnh vẫn thường cao lớn hơn người ở xứ nóng. Các loài người khác cũng tuân theo quy luật này.
Điều đặc biệt nhất là kích thước não lại không ảnh hưởng bởi nhiệt độ mà ảnh hưởng đến môi trường sống, ví dụ như thảm thực vật và độ phong phú của hệ sinh thái nơi người đó sinh sống. Theo giáo sư Andrea Manica từ Đại học Cambridge, lý do chính là bộ não rất "đáng tiền" (quan trọng và tiêu hao cực kỳ nhiều năng lượng), nên con người phải tiến hóa phù hợp để bảo đảm nuôi dưỡng nó thật tốt, nhưng nói chung kích thước bộ não vẫn tăng lên đều - não của chúng ta hiện nay gấp 3 lần những con người sống vào 1 triệu năm trước.
Nghiên cứu vừa công bố trên Nature Communication.
Bình luận (0)