Công trình đứng đầu bởi nhà sinh học tiến hóa – tiến sĩ Pasquale Raia thuộc Đại học Naples Federico II (Ý) đã dựa vào các dữ liệu và mô hình cổ sinh vật học để xem xét xem các loài thuộc chi Người đã phản ứng như thế nào đối với sự biến động của khí hậu Trái Đất.
Trái Đất từng có rất nhiều loài người cùng chung sống, nhưng nay hầu hết đã tuyệt chủng, chỉ còn chúng ta - Ảnh: THE SCIENTIST
Như nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy, chi Người (Homo) gồm rất nhiều loài, trong đó ít nhất 6-7 loài người khác từng tồn tại song song với Homo sapiens (người hiện đại, tức chúng ta) trong một giai đoạn nào đó. Homo sapiens là loài có tuổi đời "trẻ" nhất, chỉ mới xuất hiện khoảng hơn 300.000 năm nhưng là loài duy nhất chưa bị tuyệt chủng của chi Người.
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Raia đã căn chỉnh các dữ liệu khí hậu trong vài triệu năm qua với vị trí phân bổ và niên đại tồn tại của 6 loài Homo, bao gồm chúng ta, Homo habilis, Homo ergaster, Homo erectus, Homo heidelbergensis và Neanderthals (Homo neanderthalensis).
Kết quả cho thấy 3 mốc biến đổi khắc nghiệt của Trái Đất khi chuyển đổi qua lại giữa các thời kỳ băng hà và ấm lên toàn cầu liên quan mật thiết đến 3 lần xuất hiện cuối cùng trong hồ sơ quá thạch của Homo erectus, Homo heidelbergensis và người Neanderthals.
Homo erectus hiện diện trên Trái Đất từ gần 2 triệu năm trước và tuyệt chủng khoảng hơn 110.000 năm trước; Homo heidelbergensis được cho là tồn tại từ 700.000-200.000 năm trước; Neanderthals khoảng 800.000-30.000 năm trước. Họ đều có một thời gian tồn tại song song với Homo sapiens chúng ta, trong đó một số người Neanderthals còn sống chung và hôn phổi với tổ tiên chúng ta.
Nghiên cứu cho rằng Homo sapiens dường như có khả năng thiên phú để đương đầu với biến đổi khí hậu, nên cho dù có lẽ có thiệt hại về dân số, nhưng đã tồn tại được qua các giai đoạn khó khăn của Trái Đất. Ngày nay, rõ ràng biến đổi khí hậu – mà tác động từ chính chúng ta đóng vai trò lớn - vẫn đủ gây thiệt hại nghiêm trọng. Bằng chứng về 3 loài người tuyệt chủng có thể nói là một lời cảnh tỉnh.
Một số công trình trước đây cũng đưa ra bằng chứng cho thấy chế độ ăn đa dạng (ăn được nhiều cá, thực vật chứ không phụ thuộc vào thịt như Neanderthals), cùng khả năng chế tạo công cụ lao động linh hoạt, chủ động di cư tìm nguồn sống đã giúp loài người hiện đại Homo sapiens tồn tại lâu hơn những người anh em khác trong chi Người.
Bình luận (0)