Hành tinh thiếu may mắn đó chính là Sao Hỏa, nơi NASA tìm ra những bằng chứng thuyết phục về sông ngòi và đại dương cổ đại, thậm chí là các "khối xây dựng sự sống". Mới đây, một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng một chu trình kỳ quái xảy ra hàng năm đã khiến hành tinh khô cạn và chết chóc, dù cùng nằm trong "vùng sự sống" Goldilocks của hệ Mặt Trời với Trái Đất.
Sao Hỏa rất có thể từng là một thế giới giống Trái Đất, nhưng nay đã thành hành tinh khô cằn - Ảnh đồ họa từ dữ liệu NASA
Sứ mệnh NASA MAVEN với tàu vũ trụ MAVEN quay quanh Sao Hỏa từ năm 2014 đã ghi nhận thành phần cấu tạo của lớp trên bầu khí quyển và phát hiện ra điều kỳ lạ. Khi ở gần mặt trời, lượng hơi nước trong bầu khí quyển trên của hành tinh này cao đến bất thường.
Với quỹ đạo hình bầu dục thuôn dài hơn so với quỹ đạo Trái Đất, Sao Hỏa có thời kỳ tiến rất gần Mặt Trời và thời kỳ ở rất xa. Khi tiến gần ngôi sao mẹ, nhiệt lượng từ Mặt Trời đã khiến nước trên bề mặt – bấy lâu tồn tại dưới dạng băng – di chuyển lên tầng trên cùng của bầu khí quyển rồi bị thất thoát vào không gian.
Quá trình này xảy ra mỗi năm trên Sao Hỏa, tương đương với 2 năm ở Trái Đất. Sự mất nước càng mạnh mẽ hơn trong những năm hành tinh bị ủ nóng bởi những cơn bão bụi toàn cầu, thường xảy ra khoảng 10 năm một lần.
Trái Đất của chúng ta may mắn giữ được nước bởi "hiện tượng hygropause". Đó là sự tồn tại của một lớp lạnh trong khí quyển đủ để nước bị ngăn chặn và ngưng tụ, rơi trở lại mặt đất thành mưa chứ không bay lên tầng khí quyển trên, nơi vũ trụ dễ dàng "đánh cắp" hơi nước.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Arizona, Trung tâm Hàng không vũ trụ Goddard của NASA, Trung tâm Nghiên cứu và khám phá khoa học công nghệ không gian ở Maryland (Mỹ). Các kết quả vừa công bố trên tạp chí khoa học Science.
Bình luận (0)