"Nhật thực lai" xảy ra khi các khu vực nằm ở dải trung tâm đường đi của nhật thực nhìn thấy hai "khuôn mặt" khác nhau của Mặt Trời hóa đen - nhật thực toàn phần hay nhật thực hình khuyên.
Điều này xảy ra do độ cong của Trái Đất khiến người dân ở các vĩ độ khác nhau quan sát Mặt Trăng với độ lớn khác nhau, khiến nó che phủ Mặt Trời hoàn toàn hoặc còn chừa lại một dải sáng mỏng xung quanh.
Nhật thực lai - Ảnh: NASA
Theo Time and Date, các khu vực nhìn thấy nhật thực ngày 20-4 là Nam Á, Đông Nam Á, khu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Nam Cực.
Sự khác biệt này xảy ra khi dải trung tâm trải trên nhiều vĩ độ và độ cong của Trái Đất khiến khoảng cách giữa các vùng đất khác nhau với Mặt Trăng cũng khác nhau, ảnh hưởng đến độ lớn của Mặt Trăng khi quan sát, che phủ toàn bộ Mặt Trời hoặc không.
Đường đi của nhật thực hôm 20-4 - Ảnh: TIME AND DATE
Rất tiếc sẽ rất ít người quan sát được nhật thực toàn phần với màu đen tuyệt đối, vốn sẽ chỉ dành cho những con tàu may mắn lang thang ở vùng biển gần Nam Cực.
Người dân nước Úc, New Zealand và một số đảo Thái Bình Dương sẽ nhìn thấy nhật thực hình khuyên nếu may mắn ở dải trung tâm, nhật thực bán phần nếu ở các dải lân cận.
Việt Nam nằm trong vùng quan sát nhật thực, nhưng sẽ nằm trong dải xa nhất nên chỉ quan sát được nhật thực bán phần với độ che phủ nhỏ.
Các khu vực từ Đông Hà - Quảng Trị xuôi về Nam nằm trong dải này.
Nhật thực tại TP HCM sẽ chỉ trông như Mặt Trăng "cắn mẻ" một chút Mặt Trời - Ảnh: TIME AND DATE
Định vị tại TP HCM cho thấy nhật thực bán phần sẽ bắt dầu vào lúc 10 giờ 36 phút ngày 20-4 (giờ Việt Nam), đạt cực đại với độ che phủ 5,38% vào lúc 11 giờ 20 phút và kết thúc vào lúc 12 giờ 6 phút cùng ngày.
Dựa trên dân số của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên đường đi của nhật thực, có khoảng 375.000 người trên toàn thế giới quan sát được nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên, khoảng 9,58 triệu người quan sát được mức độ che phủ trên 90%.
Khoảng 693.000 người quan sát với độ che phủ dưới 10%, bao gồm ở Việt Nam.
Bình luận (0)