Theo thông tin từ các nhân viên bảo vệ bờ biển và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, hòn đảo này có đường kính chỉ khoảng 200 m nhưng cột khói từ vụ phun trào núi lửa lên đến 600 m.
Có khoảng 30 đảo cách phía Nam Tokyo khoảng 1.000 km là một phần của "vành đai lửa" - nơi những hoạt động địa chấn diễn ra rất mạnh mẽ.
Theo Hiroshi Ito - một nhân viên bảo vệ bờ biển - hôm nay khói vẫn còn rất dày đặc, thậm chí có cả tro và đá từ miệng núi lửa văng ra. Cơ quan chức năng khuyến cáo tàu thuyền thận trọng khi đi qua khu vực này và tốt nhất nên chuyển hướng cho đến khi vụ phun trào tắt và nguội hẳn.
Các chuyên gia cho biết hòn đảo mới này có thể biến mất do xói mòn nhưng cũng có thể tồn tại lâu dài như một phần trên bản đồ nếu bề mặt nham thạch đủ dày và vững chắc.
Đợt phun trào núi lửa tương tự vào những năm 1970 và giữa thập niên 80 cũng đã góp phần tạo ra đảo nhỏ trong lãnh thổ của Nhật Bản.
Yoshihide Suga - phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản - nói: “Điều này đã xảy ra trước đó và trong một số trường hợp các hòn đảo bị biến mất. Nhưng nếu nó trở thành một hòn đảo chính thức, chúng tôi sẽ rất vui vì lãnh thổ sẽ được mở rộng”.
Bình luận (0)