Vào năm 2018, một nghiên cứu cho thấy dưới cực Nam Sao Hỏa có thể là một hồ nước lỏng ấm áp, dựa vào các phản xạ radar quan sát được dưới chỏm băng vùng này. Sau đó, nhiều nhóm nghiên cứu khác đã theo đuổi giả thuyết, "săm soi" miền đất này và tìm thêm được nhiều dấu hiệu giúp mối nghi ngờ thêm phần vững vàng.
Thế nhưng công trình mới của Đại học Texas, tài trợ bởi NASA, cho rằng đó chỉ là "ảo ảnh cực Nam" với những tín hiệu dễ gây nhầm lần, theo tờ Daily Mail.
Cực Nam Sao Hỏa có thể không có hồ nước mà chỉ là một ốc đảo ảo ảnh - Ảnh: NASA/ESA
Họ cũng sử dụng dữ liệu radar mà NASA thu thập được từ vùng này, đem đối chiếu một cách chi tiết với tín hiệu radar từ các khu vực khác trên Sao Hỏa và kết luận rằng các tín hiệu phát sáng bất thường từng khiến giới khoa học tưởng là hồ nước thực ra chỉ là đá núi lửa. Vài dữ liệu tương tự được ghi nhận ở các đồng bằng núi lửa được tìm thấy ở nhiều nơi khác trên hành tinh đỏ.
Ngoài ra, họ còn dựng nên các mô hình ảo từ những dữ liệu NASA sở hữu về từng vùng ở Sao Hỏa, thêm vào khắp bề mặt một tảng băng tưởng tượng dày một dặm để từ đó quan sát địa hình Sao Hỏa thật chi tiết qua một "thấu kính băng" ảo. Điều này sẽ giúp so sánh các đối tượng địa lý trên khắp hành tinh và xem mỗi khu vực có khớp với khu vực nào khác hay không.
"Đề nước duy trì gần bề mặt, cần có một môi trường rất mặn và một nguồn nhiệt mạnh được tạo ra tại chỗ, nhưng điều đó không phù hợp với những gì chúng ta biết về khu vực này" - tiến sĩ Cyril Grima, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Ngoài đá núi lửa, khu vực này có thể chứa các mỏ khoáng trong lòng sông đã khô cằn. Tuy không phải là nước lỏng và một ốc đảo sự sống như kỳ vọng trước đó, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng vùng đất sẽ đưa đến những câu trả lời quan trọng về lịch sử Sao Hỏa.
Nghiên cứu nhằm định hướng cho các nhiệm vụ thám hiểm thực địa tương lai của NASA và các cơ quan vũ trụ khắp thế giới.
Bình luận (0)