Một nghiên cứu vừa công bố trên Eos, trang thông tin chính thức của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ (AGU), đã cho thấy chân dung đáng kinh ngạc của 2 "siêu núi" có độ lớn không tưởng. Ngọn núi lớn hơn nằm ở rất sâu bên dưới cả lớp nền của đáy biển Thái Bình Dương, trải rộng qua vùng bên dưới châu Phi và cả một phần của Đại Tây Dương. Ngọn núi còn lại nhỏ hơn, nằm đối xứng phía bên kia trái đất nhưng cũng to bằng cả một lục địa.
Bản đồ 3D của trái đất, nơi hé lộ 2 siêu núi, đồ họa bởi nhà địa chấn học Sanne Cottaar (Đại học Cambridge, Anh) và nhà địa chất học Ved Lekic (Đại học Maryland, Mỹ)
Chiều cao của 2 ngọn núi này cũng ở mức không tưởng: gấp 100 lần đỉnh Everest - đỉnh núi có độ cao 8.848 m. Nhóm tác giả ví von rằng nếu chúng ở trên mặt đất, Trạm Không gian Quốc tế ISS, thứ có độ cao trung bình 333,3 km, sẽ phải bay vòng để tránh. 2 siêu núi tọa lạc gọn gàng trong lớp phủ dưới đá của hành tinh.
Theo nhà địa chất học Ved Lekic (Đại học Maryland, Mỹ), một trong các tác giả, đó là một trong những vật thể lớn nhất trên hành tinh và họ không thể giải thích được những ngọn núi này đã được hình thành như thế nào. Việc xác định chúng nhờ vào thay đổi của sóng địa chấn khi đi qua các cấu trúc đậm đặc này.
Khi mới xác định được mơ hồ sự hiện diện của các ngọn núi đá, các nhà khoa học gọi các cấu trúc lạ này là "những đốm màu" và không thể ngờ các đốm màu này lại hé lộ đến 2 "siêu núi". Lần đầu tiên giới khoa học nhận biết được các đốm màu là tận những năm 1970.
Nhóm nghiên cứu cho rằng sẽ cần ít nhất nhiều thập kỷ nữa để hiểu rõ hơn về 2 siêu núi nói trên. May mắn là qua thời gian dài nghiên cứu, chúng tỏ ra rất bền vững và không hề có dấu hiệu biến mất.
Bình luận (0)