Nhóm nghiên cứu từ Đại học Bang Washington (Mỹ) tuyên bố cuộc khảo sát hơn 4.500 ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời) của họ đã sàng lọc được 24 thế giới "siêu sống được".
Hàng loạt tiêu chí để một hành tinh nuôi dưỡng được sự sống được đưa ra: có khoảng cách với sao mẹ phù hợp để nhận được nhiệt lượng vừa phải (tức thuộc vùng sự sống "Goldilocks" của hệ sao), độ ẩm ướt, kích thước, tuổi hành tinh, tuổi hệ sao… và đem "chấm điểm" song song với Trái Đất.
Ảnh đồ họa mô tả một hành tinh có thể sống được - Ẩnh: NASA
Kết quả là điểm "sống được" của Trái Đất còn thấp hơn 24 hành tinh nói trên, vốn là những thế giới già hơn, ẩm ướt hơn và ấm áp hơn vài độ. Mặt Trời của chúng ta cũng không phải là dạng thiên thể tối ưu để nuôi dưỡng sự sống, nên đa số các hành tinh nói trên được xác định quay quanh một ngôi sao già và có nhiệt độ bề mặt thấp hơn.
Ngoài ra, một hành tinh sẽ dễ phát sinh sự sống hơn khi đạt kích thước khoảng 10% kích thước Trái Đất. Thời điểm "ngọt ngào" cho sự sống đỉnh cao sẽ là 5-8 tỉ năm tuổi. Trái Đất "mất điểm" vì chỉ mới 4,5 tỉ năm tuổi.
Theo tiến sĩ Dirk Schulze-Makuch, tác giả chính của nghiên cứu, các thế giới nói trên rất có tiềm năng sở hữu dạng sống phức tạp – ví dụ một nền văn minh giống chúng ta hoặc thậm chí là cao cấp hơn. Điều quan trọng tiếp theo là tập trung các phương tiện quan sát vào các hành tinh dễ sống này.
Khó khăn lớn nhất hiện tại là chúng đều cách chúng ta 100 năm ánh sáng trở lên, đồng nghĩa với việc các thiết bị thăm dò vũ trụ hiện tại chưa thể tìm hiểu bầu khí quyển. Nhưng điều này có thể được giải quyết bởi một loạt dự án kính viễn vọng mặt đất và không gian sẽ ra mắt trong thời gian tới.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrobiology.
Bình luận (0)