Một thuật toán vốn dùng để nghiên cứu các thiên thể đã được nhóm khoa học gia từ Đại học Maryland, Đại học John Hopkins (Mỹ) và Đại học Tel Aviv (Israel) điều chỉnh để tìm hiểu chính hành tinh của chúng ta, thông qua phân tích các dữ liệu địa chấn. Và họ đã tìm ra một cấu trúc chưa từng được ghi nhận bên trong hành tinh: thứ gì đó như những đốm màu, kích thước tương đương các lục địa, nằm giữa lõi và lớp phủ.
Cấu trúc kỳ lạ, chưa từng biết đến ở mọi hành tinh đã được phát hiện ngay bên trong trái đất - ảnh minh họa từ Internet
Các hiểu biết trước đây cho thấy cấu trúc hành tinh chúng ta, và có thể là hầu hết các hành tinh trong vũ trụ, bao gồm lõi (gồm lõi trong và lõi ngoài), lớp phủ (gồm lớp phủ trong, lớp phủ ngoài) và lớp vỏ. Với vị trí ngay ranh giới của lõi ngoài và lớp phủ trong, cấu trúc lạ nằm sâu khoảng 1.800 km so với bề mặt trái đất.
Cấu trúc này là những cụm vật liệu siêu nóng và khổng lồ, có thể là magma, được gọi tạm là "vùng vận tốc cực thấp". Bởi lẽ khi đo đạc tốc độ của sóng động đất, từ nhiều thập kỷ trước các nhà khoa học phát hiện ra chúng chợt chậm đi rõ ràng và bất thường khi đi vào ranh giới lớp phủ - lớp lõi. Đó là manh mối đầu tiên cho thấy còn có một thứ bí ẩn bọc quanh lõi trái đất.
Thế nhưng cho đến nay, nhờ công cụ nói trên – mang tên Sequencer – sự tồn tại của cấu trúc hành tinh dị thường trên mới được xác nhận chính thức. Điều đặc biệt nhất mà nghiên cứu mới này hé lộ là vùng vận tốc cực thấp không bọc hết lõi trái đất. Các nhà khoa học chỉ tìm thấy dấu vết của nó ở khoảng 40% các sóng địa chấn.
Việc ứng dụng Sequencer, và có thể là các kỹ thuật hiện đại hơn trong tương lai, vẫn đang được tiếp diễn, với hy vọng "nhìn" rõ hơn cấu trúc hành tinh mới mẻ và kỳ lạ này, cũng như biên soạn lại một bản đồ chi tiết và chính xác hơn về thế giới bên trong lòng trái đất.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science.
Bình luận (0)