Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà Ai Cập học Zahi Hawass, nguyên Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập đã tìm thấy một "kho báu thần chết" ngoài sức tưởng tượng khi khai quật trong khu vực Saqquara, một lãnh địa chôn cất rộng lớn và không ngừng gây kinh ngạc nhiều năm nay.
Theo Live Science, phát hiện mới nhất vừa được công bố là 22 hầm mộ được liên kết với nhau, sâu 9-18 m, được xác định là các xác ướp từ thời kỳ Tân Vương Quốc (thế kỷ thứ XI trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên).
Địa điểm khai quật nơi "kho báu thần chết" ngoạn mục từ Tân Vương Quốc Ai Cập vừa được phát hiện - Ảnh: Zahi Hawass
Họ đã khai quật được từ đây một kho báu vô song bao gồm khoảng 300 chiếc quan tài tuyệt đẹp và một quan tài đá vôi khổng lồ.
"Những chiếc quan tài đều có khuôn mặt riêng, mỗi khuôn mặt đều độc đáo, phân biệt rõ nam và nữ, ngoài ra thân quan tài được trang trí bằng những cảnh trong quyển sách "Ai Cập sinh tử kỳ thư". Mỗi quan tài đều có tên của người quá cố và thường có hình bốn người con trai của Horus, là những vị thần bảo vệ nội tạng của người chết" - tiến sĩ Hawass cho biết.
Thú vị nhất trong số những quan tài này là một người phụ nữ bí ẩn và chắc chắn rất cao quý, với một khuôn mặt bằng vàng nguyên khối. Khuôn mặt trên quan tài là một dạng mặt nạ dành cho xác ướp, một cách người Ai Cập cổ đại bảo lưu dung nhan của người chết.
Chôn theo họ tất nhiên là vô số đồ tùy táng quý giá, nhưng hầu như bị lu mờ bởi các xác ướp. Một số xác ướp bên trong quan tài đã được kiểm tra chi tiết hơn, hé lộ điều gây sốc: Họ đều trong tình trạng hoàn toàn nguyên vẹn, cho dù đã qua đời trên dưới 3.000 năm.
Đây là phát hiện vô cùng quý giá bởi xác ướp thời kỳ Tân Vương Quốc được khai quật rất ít trước đây so với thời Cổ Vương Quốc và giai đoạn hậu kỳ của Ai Cập cổ đại sau này, nhưng những gì vừa được tìm thấy đã chứng minh khả năng đáng khâm phục của họ trong thuật ướp xác.
Để tăng thêm phần ngoạn mục cho phát hiện, các nhà khoa học còn tìm thấy một kim tự tháp tưởng niệm nữ hoàng Neith, người chưa từng được biết đến khi nghiên cứu lịch sử Ai Cập.
Các tác giả vẫn đang nỗ lực tìm hiểu về nữ hoàng bí ẩn cũng như xác định mối liên kết giữa các xác ướp này với Vua Tut - tức Pharaoh Tutankhamun - người cũng trị vì trong một giai đoạn thuộc Tân Vương Quốc và có mộ phần gần đó; hoặc Pharaoh Teti, vị pharaoh đầu tiên của Vương triều thứ Sáu của Ai Cập.
Bình luận (0)