Theo South China Morning Post, nhiều hố va chạm lớn từng được tìm thấy trên khắp Trái Đất, nhưng hầu hết chúng đều được hình thành trước khi loài người tinh khôn Homo sapiens chúng ta xuất hiện trên hành tinh.
Nhưng miệng hố va chạm đặc biệt lớn và sâu vừa được phát hiện ở quận Yilan (gần Cáp Nhĩ Tân, thuộc địa phận tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc) chỉ mới hình thành cách đây 49.000 năm.
Khu vực tìm ra hố va chạm - Ảnh: SCMP
Kẻ tấn công ngoài hành tinh được xác định là một tiểu hành tinh có chiều rộng khoảng 100 mét, đã lao xuống theo phương thẳng đứng và tạo ra một loại hố va chạm đặc biệt. Ước tính cú va chạm đã giải phóng năng lượng mạnh gấp hàng trăm lần vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima (Nhật Bản). Nó nhỏ hơn nhiều tiểu hành tinh đã xóa sổ loài khủng long, nhưng lao nhanh hơn nhiều.
Sức nóng chết người và sóng xung kích từ vụ va chạm tạo ra đủ mạnh để làm tan chảy và biến đá granite thành thủy tinh, tàn phá một khu vực có bán kính hàng chục km quanh hố va chạm. Hố va chạm ban đầu sâu đến 579 mét, hiện được che giấu giữa một khu vực hoang vắng, dày cây cối.
Theo giáo sư Chen Ming từ Viện Địa hóa Quảng Châu (thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc), cuộc tấn công ngoài hành tinh này sẽ là "thảm họa tuyệt đối" đối vấn dân cư thời kỳ đồ đá trong khu vực, có thể gồm tổ tiên Homo sapiens chúng ta và một vài loài người khác. Đây là khu vực từng xuất hiện bằng chứng về các cá thể khác loài thuộc chi Người, thuộc các dòng dõi đã tuyệt chủng.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Meteoritics and Planetary Science.
Bình luận (0)