Theo bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học Nature, khu rừng này đã tồn tại rậm rạp, xanh tươi, ấm áp bất kể vĩ độ gần địa cực của nó không cho phép ngày – đêm trải qua bình thường: mọi sinh vật sẽ phải sống trong cảnh nửa năm ban ngày liên tục và nửa năm bóng tối. Việc tồn tại thảm thực vật nhiệt đới rực rỡ trong nhiều tháng bóng tối liên tiếp dường như thách thức mọi định luật sinh học.
Đây có thể là hình ảnh của lục địa Nam Cực kỷ Phấn Trắng - ảnh đồ họa từ J. McKay/Alfred-Wegener-Institut
Khu rừng có tuổi đời lên tới 90 triệu năm, tức thuộc kỷ Phấn Trắng, thời bùng nổ của khủng long. Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa xác định được có khủng long lang thang ở đây hay không. Khu rừng trải dài trong vòng 900 km từ cực Nam của trái đất.
Dấu vết về khu rừng đã được nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Tina van de Flierdt từ khoa Khoa học kỹ thuật trái đất của Imperial College London (thuộc Đại học London, Anh) tìm thấy qua một lõi trầm tích được thu thập bằng cách khoan đáy đại dương ở khu vực gần đảo Pine và sông băng Thwaites của Nam Cực. Trong lõi này, họ đã tìm thấy các rễ cây, phấn hoa và bào tử lẫn trong đất mà khí hậu lạnh đã bảo quản gần như nguyên vẹn.
Khu rừng bí ẩn vừa được tìm thấy xác tín thêm cho các bằng chứng rằng trong giai đoạn 115-80 triệu năm trước, tức trung kỳ kỷ Phấn Trắng, trái đất đã trở nên ấm áp nhất mọi thời đại. Các bằng chứng mới cho thấy lượng carbon dioxide trong khí quyển trái đất lúc đó cao hơn nhiều so với các lý thuyết trước đây. Đến nỗi, Nam Cực giá băng mà chúng ta thấy ngày nay thời đó không hề có băng tuyết mà là thảm thực vật xanh tươi, rậm rạp mà ngày nay chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong các rừng mưa nhiệt đới hay vùng đầm lầy ôn đới.
Bình luận (0)