Nghiên cứu hợp tác giữa Mỹ, Tây Ban Nha và Talzania cho thấy thú vui thưởng thức vài món ăn luộc từ suối nước nóng của chúng ta ngày nay thực ra chỉ là… sao chép lại thói quen hàng ngày của 3 loài người cổ đại. Đáng kinh ngạc hơn, hành vi đó đã có từ 1,7 năm trước, thời gian mà chúng ta vẫn tưởng các loài người cổ còn chìm trong mông muội, chỉ là những vượn nhân hình ăn thức ăn sống vì chưa có lửa.
Như khoa học đã chứng minh, chi Homo (Người), từng có vô số loài, bao gồm 3 loài trên, nhưng hầu hết đã tuyệt chủng, chỉ còn mỗi Homo sapiens (còn gọi là Người Tinh Khôn hay Người Hiện Đại) sống sót - chính là chúng ta.
Ảnh đồ họa mô tả cuộc sống của 3 loài từng bị tưởng là những "vượn nhân hình" kém phát triển - ảnh: Tom Björklund
Thám hiểm suối nước nóng nổi tiếng ở Hẻm núi Olduvai, thuộc Thung lũng Great Rift (Tanzania), một "thánh địa" cổ sinh vật học nổi tiếng với nhiều quái thú từng được khai quật, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của 3 loài người là Paranthropus boisei, Homo habilis và Homo erectus.
Sốc hơn, họ phát hiện dấu vết của chất béo thực vật cổ đại lắng đọng trông trầm tích của suối nước nóng. Theo giáo sư Roger Summons từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT- Mỹ), đây là dấu vết của những món rau củ được luộc ngay trong nước suối nóng. Tuổi đời của trầm tích cho thấy người luộc chúng chính là… những loài người cổ nói trên.
Như vậy, rất có thể con người đã biết nấu ăn từ trước khi có lửa bằng cách lợi dụng nguồn tài nguyên thủy nhiệt, để có những món ăn ngon hơn, mềm hơn, nhất là để thưởng thức được các loại rễ cây, củ… cứng nhưng giàu dinh dưỡng. Đây là một phát hiện choáng váng bởi hành vi này "cao cấp" hơn nhiều những gì các nhà nhân chủng học hình dung về 3 loài người nói trên. Hiện vẫn chưa rõ ngoài rau củ, 3 loài người cổ này có biết... làm món thịt luộc hay chưa.
Một sinh vật đặc biệt cũng được tìm thấy trong cuộc nghiên cứu này: Thermocrinis ruber – "vi khuẩn từ địa ngục". Trong quá trình phân tích chất béo, họ đã tìm ra phần chất béo không phải của thực vật và lần theo manh mối đến sinh vật lạ lùng bậc nhất Trái Đất này.
Thermocrinis ruber vẫn tồn tại trong thời hiện đại, được tìm thấy ở miệng núi lửa Yellow stone, là những sinh vật ưa nhiệt độ địa ngục. Để sống tốt, môi trường của chúng phải có nhiệt độ… 80 độ C trở lên. Bằng chứng mới cho thấy vi khuẩn quái dị này đã có thể tồn tại từ 1,7 triệu năm trước, và có thể hiện diện ở nhiều nơi trên Trái Đất.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu để giải mã được tận gốc sự thật đằng sau 2 "báu vật" cổ sinh vật học mà họ vừa tìm thấy: sự phát triển khó tin của 3 loài người tuyệt chủng và nguồn gốc mê hoặc của "vi khuẩn từ địa ngục. Nghiên cứu sơ bộ vừa công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences.
Bình luận (0)