Sử dụng dữ liệu từ "thợ săn ngoại hành tinh" TESS của NASA và một số kính thiên văn mặt đất, nhóm khoa học già dẫn đầu bởi tiến sĩ Akihiko Fukui từ Đại học Tokyo và Viện Thiên văn học Canarias đã tìm ra một hệ sao mới mang tên TOI-2285, sở hữu một hành tinh khí cỡ nhỏ có khí hậu mát mẻ.
Ảnh đồ họa mô tả ngôi sao lùn đỏ và hành tinh ôn đới của nó - Ảnh: SCI-NEWS
Theo tiến sĩ Fukui, trước đó, sứ mệnh không gian Kepler đã tiết lộ dạng hành tinh này rất dồi dào trong những hệ sao khác. Thường được gọi là "Tiểu Sao Hải Vương", nó có kích thước nằm giữa Trái Đất và Sao Hải Vương và là dạng hành tinh khí.
Theo Sci-News, Tiểu Sao Hải Vương có 2 dạng, một là nhóm hành tinh nóng và nhỏ nằm quá gần sao mẹ, một dạng mát và lớn hơn một chút. Hành tinh mới thuộc dạng thứ 2. Tuy nó có vẻ nằm ngoài "vùng sinh sống" một chút, là nơi sở hữu những hành tinh đá giống Trái Đất, Sao Hỏa hay Sao Kim và có khoảng cách vừa phải với sao mẹ. Nhưng sự tồn tại ở mép ranh giới này kết hợp với các đặc tính riêng cho thấy Tiểu Sao Hải Vương này có thể có nước.
Hành tinh mới, được gọi là TOI-2285b, quay quanh sao mẹ mỗi 27,3 ngày và nhận được ánh sáng từ sao mẹ - một sao lùn đỏ - gấp 1,54 lần so với Trái Đất nhận được từ Mặt Trời. Nó có bán kính gấp 1,74 lần Trái Đất nhưng khối lượng nhỏ hơn 19,5 lần so với Trái Đất, bởi một hành tinh khí thường có lớp dày nhất là một bầu trời đầy mây nên rất nhẹ.
Các nhà thiên văn tin rằng có một lớp nước tồn tại dưới bầu khí quyển giàu hydro của hành tinh, và bề mặt đá ngoài cùng của nó cũng có thể có nước dạng lỏng. Thêm vào đó, là một khí hậu tương tự vùng ôn đới. Sẽ còn nhiều bước nghiên cứu nữa trước khi khẳng định hành tinh có thực sự dễ sống và có sự sống hay không, nhưng đối chiếu với những gì xảy ra trong hệ Mặt Trời, đó là một khả năng đáng lạc quan.
Nghiên cứu vừa công bố trên Publications of the Astronomical Society of Japan.
Bình luận (0)