Theo Science Alert, đó là hành tinh TOI-332b, quay quanh ngôi sao lùn màu cam cách Trái đất chúng ta 727 năm ánh sáng.
Các phép đo dựa trên tác động của hành tinh đối với ánh sáng của ngôi sao mẹ mỗi lần nó bay ngang qua cho phép nhóm khoa học gia, dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Ares Osborn từ Đại học Warwick (Anh), tính toán đó là một thế giới có bán kính gấp 3,2 lần Trái đất, quay quanh sao mẹ mỗi 18,72 giờ.
Ảnh đồ họa mô tả một hành tinh khổng lồ bị thổi bay hết khí quyển - Ảnh: SCIENCE ALERT
Thú vị hơn, hành tinh này nằm trong khu vực gọi là "sa mạc Hải Vương Tinh", một vùng bí ẩn xung quanh một số ngôi sao, nơi thiếu vắng các hành tinh cỡ sao Hải Vương, là loại hành tinh vốn khá dồi dào.
TOI-332b hoàn toàn gây bối rối cho các nhà khoa học. Dù nằm trong sa mạc Hải Vương Tinh, nó vẫn có kích thước gần bằng sao Hải Vương - hành tinh có bán kính gấp 3,88 lần địa cầu.
Thế nhưng, nó nặng gấp 57,2 lần thế giới của chúng ta, trong khi sao Hải Vương có khối lượng chỉ bằng 17,15.
Kích thước và cân nặng này khiến nó phải là một thế giới có mật độ kinh hoàng là 9,6 g/m3, tức nặng hơn cả một khối sắt đặc cùng kính cỡ!
Mô hình hóa dữ liệu quan sát, các nhà khoa học tin rằng nó là một lõi sắt khổng lồ, dày đặc, với lớp phủ đá và bầu khí quyền mỏng chứa hydro và heli, cho dù lẽ ra nó phải là một "gã khổng lồ" khí giống sao Mộc khi sinh ra ở khu vực này.
Đối với một thế giới quá gần ngôi sao, quá trình bốc hơi quang học - khiến bầu khí quyển rò rỉ từ từ ra không gian - là có thể xảy ra, nhưng không thể giải thích việc biến cả một hành tinh khổng lồ khí thành cục sắt trơ trọi.
Có hai kịch bản rùng rợn về cách hành tinh này đã biến thành trạng thái "xương khô" - tức trơ lõi như hiện tại.
Kịch bản thứ nhất, nó có thể hình thành ở một nơi xa hơn vị trí hiện tại, rồi tiến gần lại sao mẹ trong quá trình tiến hóa. Sự nóng lên dần bởi khoảng cách thu hẹp và cả thay đổi từ sâu bên trong hành tinh đã khiến bầu khí quyển bị tước bỏ.
Cũng có khả năng nó là nạn nhân của một hành tinh khác. Cú va chạm thảm khốc đã thổi bay toàn bộ bầu khí quyển.
Kịch bản thứ ba, có khả năng thấp hơn, là nó đã được sinh ra dưới dạng "xương khô" kỳ quặc như thế, không tích tụ được bầu khí quyển ngay từ đầu.
Cho dù thế nào, TOI-332b vẫn là thế giới dị biệt lạ lùng mà các nhà khoa học kỳ vọng có thể tìm hiểu kỹ hơn nhờ các phương tiện quan sát tối tân hơn, sau phát hiện ban đầu này.
Bình luận (0)