Nghiên cứu quốc tế vừa công bố trên tạp chí của Hiệp hội địa chất Mỹ đã chứng minh Iceland ngày nay chính là tàn tích cuối cùng của một lục địa có kích thước ngang với tiểu bang Texas của nước Mỹ, gọi là Icelandia. Theo New Scientist, phần lớn lục địa chưa từng được biết tới này đã chìm xuống đáy biển Bắc Đại Tây Dương khoảng 10 triệu năm về trước.
Những vùng nước băng giá quanh Iceland ngày nay có thể từng là một lục địa - Ảnh: NEW SCIENTIST
Phát hiện này đi ngược lại giả thuyết lâu đời về sự hình thành của Iceland và Bắc Đại Tây Dương, nhưng đã giải thích được vì sao vỏ Trái Đất bên dưới Iceland lại dày hơn rất nhiều so với những nơi khác.
Giáo sư Fillian Foulger từ Đại học Durham (Anh) nói trên Live Science: "Khu vực có vật liệu lục địa trải dài tử Greenland đến bán đảo Scandinavia, một mảng trong đó là Icelandia, đã chìm xuống mặt nước nhưng vẫn đứng cao hơn bình thường".
Và Icelandia nhỏ bé không chỉ là tất cả. Các tác giả tin rằng mọt khu vực liền kề có kích thước tương đương cũng từng là lục địa, nằm ở phía Tây đảo quốc Anh và Ireland ngày nay, kết nối với Icelandia tạo nên một "Đại Icelandia".
Như chúng ta đã biết, lục địa và đại dương của Trái Đất nguyên thủy không như ngày nay mà đã nhiều lần "biến hình" thông qua hoạt động kiến tạo mảng, thậm chí nhiều lần tất cả đất đai gom thành một siêu lục địa, rồi lại tan rã thành nhiều châu lục như ngày nay. Nhiều bằng chứng cho thấy các lục địa đang có dấu hiệu "tái hợp", có thể hình thành một siêu lục địa trong vài trăm triệu năm tới.
Củng cố cho lý thuyết địa chất này là bằng chứng hóa thạch về một số loài thực vật y hệt nhau ở Greenland và Scandinavia, cho thấy rất có thể 2 nơi này trong quá khứ đã từng được kết nối bởi một dải đất khô và rộng. Họ đang nỗ lực tìm kiếm bằng chứng tương tự ở động vật để tìm ra cái kết cho nghiên cứu vẫn còn gây tranh cãi này.
Bình luận (0)