Theo Live Science, hiện tượng xảy ra ở khu vực Mid-Atlantic Ridge (MAR), dãy núi nằm dọc theo phương Bắc - Nam dưới đáy biển Đại Tây Dương. MAR còn là ranh giới của 2 mảng kiến tạo, tức 2 mảnh vỏ Trái Đất. Như các nghiên cứu trước đây cho thấy, vỏ Trái Đất không liền lạc mà được cấu thành từ 15 mảng kiến tạo lớn nhỏ. Các mảng kiến tạo này cõng trên lưng các đại dương và lục địa,
Các nhà khoa học đang đưa địa chấn kế lên khỏi đại dương - Ảnh: ĐẠI HỌC SOUTHAMPTON
Nghiên cứu vừa công bố trên Nature đã tìm thấy đá nóng chảy từ sâu bên dưới đang đẩy dần lên, khiến khoảng cách giữa 2 mảng kiến tạo ngày một xa nhau, một mảng cõng trên lưng châu Mỹ, trong khi mảng kia cõng châu Âu - châu Phi, vì thế bờ biển các lục địa này cũng ngày một xa nhau, bề rộng Đại Tây Dương thì tăng vài cm mỗi năm.
Theo tác giả chính Mathew Agius từ Đại học Southampton (Anh) và Đại học Roma Tre (Ý), trước đây người ta tin rằng sự chuyển động của các lục địa chủ yếu xảy ra khi các mảng kiến tạo chuyển động ngược chiều đâm vào nhau, gấp khúc hoặc chồng lên nhau. Nhưng rõ ràng đây là một hình thức kiến tạo mảng hoàn toàn mới. Đây là một phát hiện tình cờ khi các nhà khoa học thu thập dữ liệu từ các địa chấn kế mà họ đã đặt ở Đại Tây Dương trong suốt 1 năm. Họ nhận thấy mình đã tìm ra thứ gì đó kỳ lạ ngoài mong đợi.
Bản đồ mảng kiến tạo của Trái Đất với 15 mảnh lớn nhỏ - Ảnh: DAILY MAIL
Chưa rõ quá trình này sẽ dẫn đến đâu trong tương lai, nhưng các nhà khoa học hy vọng rằng các bước nghiên cứu tiếp theo sẽ chỉ ra được toàn diện cách mà Trái Đất vận hành trong những lần các châu lục hợp thành siêu lục địa hay ngược lại từ siêu lục địa phân tách thành nhiều châu lục.
Nghiên cứu còn là bằng chứng sống động cho thấy Trái Đất đang "rùng mình" chuyển đổi, tiến gần hơn tới siêu lục địa giả thuyết trong tương lai. Trước đó, có các nghiên cứu cho thấy vỏ Trái Đất đang biến đổi ở nhiều nơi trên thế giới, gần đây nhất là các dấu hiệu cho thấy châu Phi đang tách thành nhiều mảnh.
Bình luận (0)