Nghiên cứu quốc tế vừa công bố trên tạp chí Science, dẫn đầu bởi tiến sĩ Romain Vullo từ Đại học Rennes (Pháp), đã "trình làng" hóa thạch có một không 2 của một con cá mập thời khủng long: thân hình ống, răng nhỏ và... có đôi cánh rộng. Theo các tác giả, đây là sinh vật lâu đời nhất từng được biết đến với khả năng "bay dưới nước", tức đập đập đôi cánh và lướt đi giống như cá đuổi.
Cận cảnh tảng hóa thạch quý giá - Ảnh: WOLLGANG STINNESBECK
Hóa thạch quái dị này được tìm thấy từ năm 2012 bởi một người thợ mỏ gần Vallecillo, Mexico, bên trong khối đá lớn có tuổi đời 95 triệu năm, tức từ kỳ Phấn Trắng - thời hoàng kim của loài khủng long.
Nói trên National Geographic, nhà cổ sinh vật học Margarito González từ Bảo tàng Bang Karlsruhe (Đức), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết cá mập cổ đại trước đây chỉ được xác định chủ yếu qua những chiếc răng hay thỉnh thoảng là những mẩu xương sống nhỏ, bởi chúng là loài xương sụn, hài cốt khó lòng tồn tại qua thời gian dài như các sinh vật khác. Việc tìm thấy con cá mập hóa thạch nguyên vẹn này là vô cùng hiếm hoi và quý giá.
Chân dung con cá mập cổ quái 95 triệu tuổi - Ảnh: OSCAR SANISKIRO
Con cá mập quái dị này là một sinh vật "ăn lọc", tức không săn mồi mà lọc sinh vật phù du qua cái miệng có vô số răng rất nhỏ của mình. Nó được đặt tên là Aquilolamma, được xác định là họ hàng gần của cá mập trắng ngày nay.
Giáo sư Kenshu Shimada từ Đại học DePaul ở Chicago (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định rằng hóa thạch này đã thách thức quan điểm lâu đời rằng từ kỷ Phấn Trắng, toàn bộ loài cá mập đã tiến hóa hình dáng cơ thể hiện đại hơn, trông giống cá mập ngày nay. Tuy nhiên Aquilolamma là bằng chứng sống động cho thấy đại dương kỷ Phấn Trắng nhiều "thủy quái" hơn chúng ta tưởng.
Bình luận (0)