Sử dụng Đài thiên văn Keck đặt trên đỉnh núi lửa Manua Kea ở Hawaii, một nhóm nghiên cứu Mỹ đã theo dõi ngôi sao tên BELLS 1 thuộc thiên hà Triangulum (Messier 33) và đầy kinh ngạc khi nhận thấy nó đang biến đổi ngay trước mắt mình.
Theo tờ Space, các quan sát đầu tiên vào năm 2018 cho thấy ngôi sao này có 3 vạch phát xạ, nhưng chỉ đến năm 2022 nó đã có thêm một vạch phát xạ mới.
Một "quái vật" Wolf-Rayet gần hơn được kính viễn vọng James Webb chụp ảnh trực tiếp - Ảnh: NASA/ESA/CSA
Bốn năm có thể là thời gian dài của con người, nhưng trong tuổi đời của một vật thể vũ trụ, nó chỉ là một phần nhỏ của một cái chớp mắt. Vì vậy một thay đổi rõ rệt xuất hiện trong 4 năm cho thấy nó không phải là một thứ bình thường.
Vì nó là Wolf-Rayet, một lớp sao khổng lồ, tràn đầy năng lượng, phát triển cực nhanh và cũng chết yểu rất sớm so với một ngôi sao bình thường như Mặt Trời của chúng ta, nhóm nghiên cứu - đến từ Đại học Tufts (Mỹ) - kết luận trong bài trình bài tại cuộc họp lần thứ 242 của Hiệp hội thiên văn Mỹ, vừa được tổ chức ở New Mexico.
Các quan sát cũng cho thấy "quái vật" BELLS 1 có khối lượng khủng khiếp, có thể gấp 25 lần Mặt Trời và hiện đã 10 triệu tuổi.
Các bước sóng của bức xạ điện từ mà nó phát ra cho thấy ngôi sao đang khuấy động carbon hoặc sắt sâu bên trong nó thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân, cho thấy nó đang sắp sửa tiến đến giai đoạn cuối đời, phát nổ thành siêu tân tinh.
Tuy sao Wolf-Rayet yểu mệnh nhưng tuổi đời của nó vẫn quá lớn so với con người, vì vậy quan sát được quái vật vũ trụ này phát triển trong thời gian thực là cơ hội ngàn năm có một. Trước đó lớp sao này chỉ được biết đến thông qua những dữ liệu thể hiện nó trong trạng thái đã phát triển thành Wolf-Rayet, chứ chưa ai quan sát được giai đoạn này.
Việc quan sát tiếp tục nó trong tương lai có thể cung cấp thêm nhiều hiểu biết thú vị khác về cách quái vật này biến hình.
Theo NASA, chỉ có khoảng 200 sao Wolf-Rayet đã được biết đến trong thiên hà Milky Way của chúng ta. Có thể có khoảng 1.000-2.000 cái đang tồn tại, nhưng bị che khuất bởi lớp bụi dày theo góc nhìn từ Trái Đất.
Bình luận (0)