Theo Sci-News, hành tinh mới này, mang tên TOI-201b, nằm trong số 5% hành tinh có ngôi sao mẹ trẻ nhất mà các nhà thiên văn đo đạc được, nên là cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu xem một hệ sao giống hệ Mặt Trời của chúng ta như thế nào trong giai đoạn "đầu đời".
Theo tiến sĩ Melissa Hobsin từ Viện Vật lý thiên văn Thiên niên kỷ của Đại học Pontificia Catolica de Chile, hành tinh mới là một "Sao Mộc ấm" có bán kính tương đương nhưng chỉ nặng bằng 0,42 lần Sao Mộc, có lẽ vì nó là một hành tinh khí trẻ, còn đang trong giai đoạn "bong bóng". Các dữ liệu tiết lộ thiên thể khổng lồ này hãy còn "sơ sinh", vẫn đang trong giai đoạn nguội dần đi sau khi hình thành.
Sao Mộc ấm TOI-201b - Ảnh đồ họa từ Sci-News
Khác với các "Sao Mộc nóng" quay cực gần sao mẹ, Sao Mộc ấm không bị chiếu xạ quá nhiều và không bị mất đi các dấu vết của quá trình tiến hóa thủy triều, do đó có khả năng chứa đựng những thông số quý giá về cách nó hình thành và phát triển. Các nhà khoa học tin rằng cũng giống như Sao Mộc của hệ Mặt Trời, các hành tinh khổng lồ này phải được sinh ra từ một vị trí rất xa sao mẹ, sau đó mới tiến dần về trung tâm, ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình hình thành các hành tinh cùng hệ.
TOI- 201 – ngôi sao mẹ của TOI-201b - ước tính chỉ mới 870 triệu năm tuổi, tức chưa đến 1/5 tuổi của Trái Đất, lớn và nặng hơn Mặt Trời khoảng 32%, tức hành tinh quay quanh nó còn ít tuổi hơn.
Sau dữ liệu sơ bộ của TESS, nhóm nghiên cứu đã dùng thêm 3 máy quang phổ FEROS, HARPS, CORALIE của Đài quan sát La Silla (đặt tại Chile) và loạt bốn kính viễn vọng Minerva-Australis (đặt tại Úc) để xác nhận và tìm hiểu thêm về hành tinh TOI-201b cùng sao mẹ.
Sau bài công bố phát hiện chuẩn bị được xuất bản trên Astronomical Journal, các tác giả sẽ tiếp tục đào sâu nghiên cứu về thế giới cách chúng ta 372 năm ánh sáng này, với hy vọng tìm ra những manh mối giải thích về sự hình thành của chính hệ Mặt Trời chúng ta.
Bình luận (0)