Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Arijit Manna từ Khoa Vật lý, Đại học Midnapore ở Tây Bengal (Ấn Độ) đã xác định được sự tồn tại gây sốc của glycine, một axit amin tồn tại trong cơ thể người và nhiều sinh vật khác trên Trái Đất, trong bầu khí quyển tưởng chừng là chết chóc của Sao Kim.
Sao Kim - ảnh: NASA
Các axit amin chưa phải một cấu trúc sinh học hoàn chỉnh, nhưng chính là một trong những thứ người ta gọi là "khối xây dựng sự sống". Ở Trái Đất, glycine là một trong những axit amin thiết yếu có vai trò quan trọng cho sự phát triển của protein và các hợp chất sinh học khác.
Nhóm nghiên cứu này đã sử dụng Đài quan sát Atacama Large Millimeter/submillimeter Array (ALMA) đặt ở Chile và tìm thấy dấu hiệu hóa học của glycine ở vĩ độ trung bình, gần xích đạo.
Trong bài công bố trực tuyến trên arxiv.org, các tác giả nhấn mạnh việc phát hiện ra khối xây dựng sự sống này có thể là một trong các chìa khóa quan trọng để hiểu về cơ chế hình thành của các phân tử tiền sinh học trong khí quyển Sao Kim. Rất có thể Sao Kim đang trải qua các phản ứng tạo ra sự sống sơ khai, giống y hệt Trái Đất 3-4 tỉ năm về trước.
Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều nghiên cứu khoa học đã nhắm vào khả năng sống được của Sao Kim. Một nghiên cứu công bố hồi giữa tháng 9 đã phát hiện ra dấu hiệu của phosphine, tức "khí ma trơi", chính là thứ được tạo ra từ đường ruột động vật hay quá trình phân hủy xác chết, dẫn đến hiện tượng ma trơi. Một số nghiên cứu thì nghi ngờ rằng hành tinh này vẫn còn hoạt động địa chất – thứ giúp đảm bảo cho các phản ứng tạo và duy trì sự sống.
Hơn hết, Sao Kim cũng thuộc "vùng sự sống" Goldilocks của hệ mặt trời như Trái Đất và Sao Hỏa. NASA, ESA (Cơ quan vũ trụ châu Âu) và nhiều cơ quan không gian khác cũng đang có những kế hoạch tìm hiểu rõ ràng hơn về hành tinh gần Trái Đất nhất này.
Bình luận (0)