Nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Nathan C.Hara từ Đại học Geneva (Thụy Sĩ) đã phát hiện ra một hệ hành tinh ngoạn mục bậc nhất thông qua dữ liệu từ máy quang phổ SHOPHIE lắp đặt trên kính viễn vọng của Đài Thiên văn Haute-Provence, miền Nam nước Pháp và dữ liệu ban đầu từ "thợ săn hành tinh" TESS của NASA.
Ảnh đồ họa mô tả hệ hành tinh đang "khiêu vũ" - ảnh: NASA
Đó là hệ nhiều hành tinh quay quanh ngôi sao mẹ mang tên HD 158259. Điểm đặc biệt là tất cả các hành tinh trong hệ đều tạo được cái gọi là "sự cộng hưởng quỹ đạo": cứ 3 lần quỹ đạo của 1 hành tinh sẽ bằng 2 lần quỹ đạo của hành tinh "hàng xóm" quay ngay bên ngoài nó. Sự cộng hưởng này mang đến nhiều tác động đặc biệt lên sự vận hành của mỗi hành tinh, ví dụ như thủy triều.
Trong Hệ Mặt trời của chúng ta, chỉ có Sao Diêm Vương và Sao Hải Vương tạo được sự cộng hưởng quỹ đạo này, tuy nhiên Sao Diêm Vương chỉ được coi là một hành tinh lùn. Một hệ hành tinh có 1 cặp cộng hưởng quỹ đạo đã là khá hiếm, nhưng trong hệ này có tới 5 hành tinh đang cộng hưởng quỹ đạo lẫn nhau thành một "bản khiêu vũ" nhịp nhàng.
Theo bài công bố được NASA đăng tải, hành tinh đáng chú ý nhất là HD 158259b, một "siêu trái đất", tức cấu tạo thuộc dạng hành tinh đá giống trái đất chúng ta, nhưng to lớn hơn. Tuy nhiên, siêu trái đất này có thể là một địa ngục: nó quay quá gần sao mẹ, 1 năm ở đó chỉ bằng 2 ngày trái đất. Vì vậy, bề mặt hành tinh này sẽ rất nóng.
"Khiêu vũ" quanh siêu trái đất là 4 "bản sao" của Sao Hải Vương, những hành tinh khí. Các nhà khoa học đang nghi ngờ còn một bản sao Sao Hải Vương thứ 6, quay ngoài cùng trong hệ hành tinh, tuy nhiên các bằng chứng về sự tồn tại của nó chưa rõ ràng.
Bình luận (0)