Các nhà khoa học vừa vén màn bí ẩn NGC 6240, một thiên hà được gọi là "tập hợp tan vỡ của các vì sao". Trước đó, họ tin rằng giữa NGC 6240 vẫn đang là cuộc sáp nhập đáng sợ của 2 lỗ đen "quái vật" – cách mà giới thiên văn hay nói về những lỗ đen siêu khối, vô cùng mạnh mẽ và khổng lồ.
Thiên hà chứa trái đất Milky Way cũng có một lỗ đen "quái vật" cùng loại ở trung tâm, với khối lượng khoảng hơn 4,3 triệu mặt trời.
Thế nhưng ở trung tâm của NGC 6240, nhóm khoa học gia từ Đại học Göttingen và Viện Vật lý thiên văn Leibniz Potsdam (AIP) xác định được tới 3 lỗ đen quái vật đang trong quá trình hợp nhất, tức "nuốt" lẫn nhau, chuẩn bị cho sự hình thành một quái vật vũ trụ khác cực lớn và cực mạnh.
Tiến sĩ Peter Weilbacher từ AIP, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết sự tập trung của 3 lỗ đen siêu khối như vậy chưa bao giờ được phát hiện trong vũ trụ. Khám phá này có thể thay đổi sự hiểu biết của các thiên hà hình thành, vì đây có khả năng là điểm khởi đầu của một trong các thiên hà lớn nhất vũ trụ.
Xung quanh "tử địa" rộng 3.000 năm ánh sáng nơi các lỗ đen đang nuốt nhau, NGC 6240 có hình dạng kỳ lạ, trông như một vùng vật liệu sáng lóa bị đập vỡ và trải rộng ra. Ước tính tốc độ lao vào nhau của 3 quái vật vũ trụ lên tới vài trăm km/giây.
Việc nghiên cứu quá trình hợp nhất dữ dội này khá thuận lợi, bởi xét về khoảng cách thông thường giữa các thiên hà thì thiên hà tan vỡ nói trên nằm ở vị trí khá gần với thiên hà chứa trái đất: 300 triệu năm ánh sáng.
Bình luận (0)