Một nhóm nghiên cứu Úc – Mỹ, dẫn đầu bởi Giáo sư Joss Bland-Hawthorn từ Trung tâm Vật lý thiên văn 3D ưu việt ARC (ASTRO 3D – Úc), đã phát hiện một chùm năng lượng khổng lồ phát ra từ một điểm gần lỗ đen "quái vật" ở trung tâm thiên hà Miky Way của chúng ta, tạo ra một vụ nổ phóng xạ hình nón cực mạnh, xuyên qua 2 cực của thiên hà và phóng năng lượng ra ngoài vũ trụ.
Ảnh đồ họa mô tả vụ nổ khủng khiếp từ Miky Way, ngọn lửa Seyfert lan sang tận Suối Maggellanic của 2 thiên hà hàng xóm - ảnh: JAMES JOSEPHIDES/ASTRO 3D
Hiện tượng được đặt tên là "ngọn lửa Seyfert", dựa theo tên nhà thiên văn Mỹ danh tiếng Carl Keenan Seyfert (1911-1960). Ngọn lửa Seyfert mạnh đến nỗi các tác động lên cả Suối Magellanic, một vệt khí kéo dài nối 2 thiên hà lùn "hàng xóm" là Đám mây Magellan Lớn và Đám mây Magellan nhỏ tạo nên. Suối Magellanic nằm cách Miky Way trung bình 200.000 năm ánh sáng.
Nghiên cứu cũng cho thấy thủ phạm không phải là Nhân Mã A* (Sagittarius A*), "lỗ đen quái vật" to bằng 4,2 triệu mặt trời đang ngủ yên giữa Milky Way, mà từ một nguồn bí ẩn nào khác.
Vì trung tâm thiên hà rất xa trái đất (Hệ Mặt trời nằm ở rìa của Milky Way), nên khi chúng ta quan sát được vụ nổ thông qua Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA, thì sự kiện kinh khủng đó thực tế đã xảy ra… 3,5 triệu năm về trước, thời mà một loài người cổ đại, tổ tiên xa xưa của chúng ta tên là Australopithecines, đang sinh sôi ở Châu Phi.
Theo Giáo sư Joss Bland-Hawthorn, sự kiện trên cho thấy khu vực trung tâm Milky Way không hề yên bình như các hiểu biết trước đây mà còn nhiều sự kiện ồn ào và khốc liệt khác liên tục xảy ra. "Thật may mắn là chúng ta không cư trú ở đó" – ông hóm hỉnh.
Và thật may mắn, kết quả trên đã loại trừ giả thuyết rằng ánh sáng lạ từ trung tâm thiên hà là do "quái vật" Nhân Mã A* thức tỉnh, sự kiện vốn có thể gây những tác động khó lường lên toàn bộ thiên hà chứa trái đất.
Ngọn lửa Seyfert ước tính đã bùng cháy suốt 300.000 năm, bằng số thời gian mà loài người hiện đại Homo Sapiens chúng ta tồn tại trên trái đất, nhưng chỉ là một khoảnh khắc ngắn trong lịch sử thiên hà.
Nghiên cứu còn có sự hợp tác của Đại học Quốc gia Úc, Đại học Sydney (Úc) và 3 viện – trường tại Mỹ là Đại học Bắc Carolina, Đại học Colorado, Viện Khoa học Kính viễn vọng không gian ở Baltimore.
Bình luận (0)