Nhắm vào đối tượng là người lớn tuổi, người bận rộn, căng thẳng... dẫn đến mất ngủ, nhóm sinh viên Trường ĐH Công Thương TP HCM gồm: Đinh Nguyễn Bảo Trân, Trần Thị Thùy Trang, Tạ Ngọc Bích Du, Nguyễn Anh Vũ và Trần Quang Khải đã xây dựng ý tưởng nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ thuần tự nhiên.
Sử dụng nguyên liệu gần gũi
"Càng về già, bà ngoại càng khó ngủ, mỗi đêm bà chỉ ngủ được khoảng 2 - 3 giờ. Thiếu ngủ là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi" - nhóm trưởng Đinh Nguyễn Bảo Trân nói về nỗi lo lắng khiến em quyết định nghiên cứu sản phẩm giúp ngủ ngon.
Trân cho biết các thành viên trong nhóm đều có quê ở miền Tây nên chung mối quan tâm đến sen - loài cây gần gũi với đời sống người dân và có giá trị như vị thuốc quý. Trong đó, tim sen chứa Alkaloid có công dụng trấn an tinh thần, kéo dài giấc ngủ; Asparagin giúp hạ huyết áp, cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim, chống rối loạn nhịp tim.
Nhóm sinh viên Trường ĐH Công Thương TP HCM với ý tưởng trích ly tim sen thành sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ
Với công nghệ trích ly, nhóm đã cho ra sản phẩm có hàm lượng chất đạt chuẩn. Tim sen sau khi ủ nhiệt sẽ được trích ly để tách các hoạt chất Alkaloid (Asparagin, Nelumbin, Nuciferine, Liensinin) và các chất chống ôxy hóa (Flavonoid, Polyphenol). Dịch thu được sau trích ly được cô đặc và cố định trên nền phim mỏng.
Trong giai đoạn khảo sát thị trường, sản phẩm giúp ngủ ngon Lotus Sleep nhận được nhiều phản hồi tích cực khi đa số người dùng cho biết giấc ngủ được cải thiện sau 2 - 3 tuần sử dụng. "Sản phẩm có giá dự kiến 120.000 đồng/hộp 10 tấm phim. Theo y học cổ truyền, tim sen có tính hàn, chỉ nên sử dụng tối đa 2 hộp/tháng, tương đương chi phí chỉ khoảng 8.000 đồng/ngày để có giấc ngủ ngon mà không phải dùng thuốc hay thực phẩm phẩm chức năng có nhiều chất phụ gia" - Bảo Trân giới thiệu.
Nhanh, gọn, hiệu quả
Theo Tạ Ngọc Bích Du, thành viên nhóm, với nhịp sống bận rộn, nhiều người không có thời gian pha trà tim sen để uống đều đặn mỗi ngày, dù ai cũng biết công dụng của nó. Do đó, việc thiết kế sản phẩm dạng tấm phim để ngậm giúp tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng.
"Mỗi tấm phim chứa hàm lượng khoảng 5 g tim sen; có vị ngọt, dễ tan trong miệng. Sau 30 phút ngậm phim, tim sen sẽ giúp cơ thể thư giãn và dần chìm vào giấc ngủ sâu. Hình dạng tấm phim nhỏ gọn cũng giúp người dùng dễ mang theo khi đi công tác, đi xa nhà, không bất tiện như lọ thuốc" - Bích Du nói.
Tấm phim mỏng giúp ngủ ngon có nguồn gốc từ tim sen
Thông tin thêm về sản phẩm, Bích Du cho biết Lotus Sleep được bổ sung thêm các thành phần như mật hoa dừa, quế khâu, cam thảo giúp giảm vị đắng đặc trưng của tim sen. Trong đó, mật hoa dừa chứa đến 17 loại axít amin - trong số này có 9 loại cơ thể không tự tổng hợp được. Đặc biệt, chỉ số đường huyết GI (Glycemix index) của mật hoa dừa nhỏ hơn 35, thấp hơn phần lớn các loại đường khác nên thích hợp sử dụng cho người ăn kiêng, người bị đái tháo đường.
"Nhóm mong muốn sản phẩm có thể ứng dụng vào thực tế nhưng hiện nay, toàn bộ quy trình sản xuất đều được làm ở phòng thí nghiệm của trường. Nếu muốn sản xuất đại trà thì cần có đơn vị phối hợp để chuyển giao công nghệ" - Bích Du bày tỏ.
TS Nguyễn Thị Thùy Dương, giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Công Thương TP HCM, đánh giá cao việc nhóm đã tối ưu hóa các thông số, trích ly hoạt chất tối đa và lưu giữ ổn định trong thời gian dài. Bên cạnh đó, trên thị trường chưa có sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ dạng phim nên hình dáng mới lạ là điểm cộng để thu hút người tiêu dùng. "Tuy nhiên, từ dự án nghiên cứu khoa học đến thương mại hóa sản phẩm cần thời gian rất dài, nhóm cần cải tiến thêm về công nghệ" - TS Nguyễn Thị Thùy Dương góp ý.
Đoạt nhiều giải thưởng
- Giải nhì cuộc thi "Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2023" do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phối hợp Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM và Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM tổ chức.
- Giải nhì cuộc thi "Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2023 do Trường ĐH Công Thương TP HCM tổ chức.
- Tốp 20 cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên UNIV STAR" do Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM và Trung tâm Kinh tế Đổi mới Sáng tạo tỉnh Jeonbuk - Hàn Quốc tổ chức.
Bình luận (0)