Hàng loạt công ty dịch vụ mạng khổng lồ như Google, Microsoft, Facebook… đều dính đến việc cho phép NSA truy cập dữ liệu bảo mật của người dùng, với cớ truy tìm các mối hiểm họa khủng bố.
Ngoài phản ứng dữ dội từ phía dư luận trong nước khi Edward Snowden tố giác vụ việc, ngay cả cư dân Hồng Kông - Trung Quốc, nơi Edward Snowden “trú ẩn”, cũng lên tiếng ủng hộ ông này và phản đối việc làm của chính phủ Mỹ. Nguyên nhân đơn giản là do sự lan tỏa quá lớn của chương trình PRISM. Thậm chí, ngay cả thông tin thuộc về bất kỳ cư dân nào trên thế giới sử dụng các dịch vụ mạng nổi tiếng đều có thể bị theo dõi bởi NSA.
Tầm vóc của xì-căng-đan này buộc các nhà làm luật châu Âu phải quay sang chất vấn chính quyền của Tổng thống Obama. Những người hay lo âu, hoài nghi được dịp thêu dệt nhiều chuyện sợ hãi trên cộng đồng mạng. Sự kiện này đã trở thành một gánh nặng cho các nỗ lực biến mạng internet thành một môi trường tự do và không bị kiểm soát.
Mạng internet là một phát minh vĩ đại của nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, internet vẫn phải và sẽ chịu sự kìm hãm của những nỗ lực tìm cách điều khiển nó, phục vụ cho lợi ích của các cá nhân, tổ chức hay chính phủ, thậm chí cho công tác tình báo. Điều đó đi ngược lại mong muốn rằng mạng internet không nên bị ràng buộc bởi bất cứ xu hướng nào.
Mỹ là quốc gia sở hữu hầu hết cơ sở hạ tầng mạng internet nhưng lại muốn sử dụng nó cho lợi ích của mình. Chính vì vậy, ở góc độ công nghệ, tuy PRISM có thể là sự kiện tiêu cực nhưng đây lại là một thách thức cần thiết cho giới công nghệ. Cách mà dư luận phản ứng, cũng như các công ty mạng giải quyết xì-căng-đan này và những nhà làm luật quyết định như thế nào sẽ đóng vai trò quan trọng cho tương lai của mạng internet.
Bình luận (0)