Cánh lái xe đang “kêu trời” về việc bị xử phạt các lỗi liên quan đến thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Thiết bị đang hoạt động bình thường nhưng khi thanh tra giao thông kiểm tra, cắm thiết bị vào thì không truy xuất được thông tin. “Đây là đồ điện tử, lắp đặt trên phương tiện đi lại nhiều nên có thể gặp sự cố hoặc vào những đoạn đường chưa được phủ sóng thì đương nhiên không kết nối được dữ liệu, “đè” lái xe ra phạt là không ổn” - ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, phân trần.
Không dễ tự chọn thiết bị, dịch vụ
Ông H.V.H, một chủ xe chạy tuyến TP HCM - miền Trung, nói về quy trình lắp đặt thiết bị và sử dụng dịch vụ hộp đen: “Muốn lắp hộp đen không phải cứ dọ giá rồi gọi đơn vị cung cấp tới. Các nhà xe phải có giấy giới thiệu của hợp tác xã, giấy xác nhận thuế tháng và giấy phép đăng kiểm nên đành để hợp tác xã lo luôn phần đối tác lắp ráp thiết bị. Bởi nếu tự làm thì có khi thủ tục bị chậm, dẫn đến bị phạt”. Theo ông H, những xe khách ở Bến xe Miền Đông
(TP HCM) đã lắp hộp đen được gần 2 năm nay nhưng chất lượng và dịch vụ của hộp đen lại rất phập phù.
Bà T.T.T, một chủ xe khác, cho hay người ta cứ đến lắp và thu phí 6 tháng/lần, hộp đen hoạt động ra sao thì bà không rành lắm. Bà T. nói: “Tui chỉ biết khi xe chạy 4 giờ là máy báo một lần để đổi tài, vượt tốc độ thì máy cảnh báo. Điều doanh nghiệp (DN) cần là xem tài xế sử dụng xăng xe có đúng mục đích không, có đón khách đúng vị trí hoặc dừng đón giữa đường kiếm thêm tiền không thì người ta chưa hướng dẫn kỹ lắm. Một cái hộp đen giá khoảng 6 triệu đồng, thêm 100.000-120.000 đồng/tháng phí dịch vụ mà người mua giống như bị phụ thuộc vậy. Sau 12 tháng bảo hành, người ta báo hộp đen hư cái gì thì chúng tôi cũng đành cắn răng trả tiền thay chứ không kiểm soát được”.
Bị phạt oan?
Các DN cũng bày tỏ lo lắng về việc bị phạt oan nếu hộp đen không hoạt động hoặc thiết bị kiểm tra không tương thích. “Nếu kết luận hộp đen không hoạt động khi còn bảo hành, đang đóng phí dịch vụ thì phải làm rõ là lỗi ở chủ xe hay nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ. Mặt khác, nhiều thanh tra, CSGT khi kiểm tra hộp đen mà tay chân lóng ngóng, gắn USB để lấy dữ liệu mà giống như… phá máy. Lỡ họ làm hư cổng lấy thông tin rồi lại cho rằng hộp đen không hoạt động thì sao?” - ông T.S, một chủ xe, bức xúc.
Các chủ xe chạy tuyến TP HCM - Tây Nguyên cho hay họ đã tẩy chay một đơn vị cung cấp thiết bị, dịch vụ hộp đen V.H vì tiền thiết bị, dịch vụ thì luôn nhận đủ nhưng khi có sự cố thì V.H hay viện cớ do quá nhiều khách hàng nên chưa thể khắc phục. Ông T.V.N, một chủ xe, cho hay ông đã gọi điện nhiều lần nhắc V.H phải lắp hộp đen mới thay thế thiết bị đã hỏng trước ngày đăng kiểm nhưng công ty này liên tục lỗi hẹn, khi DN dọa kiện thì mới gửi hộp đen theo một xe khách khác cho xe của ông.
Một vấn đề khác, dữ liệu trên hộp đen có thể biến mất do sự cố kỹ thuật hoặc do dung lượng lưu trữ của thiết bị, server của các công ty cung cấp dịch vụ quá kém. Ông H.B.K, phó tổng giám đốc của một công ty cung cấp dịch vụ hộp đen, cho biết: “Đó là một trong các vấn đề mà thanh tra giao thông nên quan tâm kiểm tra và rút giấy phép DN có dịch vụ kém. Hiện nay, chính công ty chúng tôi cũng có một vài sự cố đang phải khắc phục...”.
Theo ông Thạch Như Sỹ, Phó chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), thông tin thu từ hộp đen qua 2 đường: máy in cầm tay và truy cập vào website của nhà cung cấp dịch vụ. Qua 2 đợt kiểm tra trong tháng 7, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện việc trích xuất thông tin qua máy in và website có độ vênh; có hộp đen trích xuất được thông tin của ô tô ngay nhưng cũng có trường hợp chỉ thu được thông tin khi truy cập vào website của DN. “Bộ GTVT rất coi trọng hiện trạng thật của các thiết bị này, xem có lưu trữ được các dữ liệu không nên đã có văn bản hướng dẫn thanh tra các sở, nếu trích xuất đầy đủ dữ liệu qua máy in thì không cần vào trang web. Trường hợp trích xuất bằng máy in không được thì phải vào các trang web để kiểm tra. Nếu nguồn dữ liệu đầy đủ thì sản phẩm bảo đảm theo quy định” - ông Sỹ nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết sắp tới, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thu từ hộp đen được đưa vào sử dụng để giám sát, quản lý. Phần mềm này sẽ tích hợp tất cả thông tin từ hệ thống dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ hộp đen “về một mối”.
Nên xem kỹ hợp đồng Ông Thạch Như Sỹ cho biết sắp tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thanh tra đợt 3 đối với các DN cung cấp hộp đen, xử lý các đơn vị làm ăn không nghiêm túc. Việc lắp đặt, xử phạt đối với ô tô không lắp hộp đen đã được lùi thời hạn. Các DN vận tải khi lắp đặt phải xem kỹ những điều khoản ký kết với đơn vị cung cấp, khi kiểm tra bị sự cố thì không thể đổ vấy trách nhiệm. |
Bình luận (0)