Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Jacques Klusa từ Viện Thiên văn KU Leuven (Bỉ) đã phân tích các đĩa khí bụi khổng lồ quanh các hệ sao đôi, và phát hiện điều kỳ lạ ở một số hệ sao đôi có một trong 2 ngôi sao đã chết.
Ảnh đồ họa mô tả về đĩa tiền hành tinh thế hệ thứ 2 quanh một hệ sao đôi mà 1 trong 2 đã trở thành "thây ma" - Ảnh: N. Stecki
Ngôi sao chết chính là thứ tồn tại dưới dạng sao lùn trắng, "thây ma" còn sót lại sau khi một ngôi sao như Mặt Trời của chúng ta cạn năng lượng và chết đi. Về lý thuyết, các hành tinh của ngôi sao chết cũng chết theo ngày sao mẹ tàn lụi, và có vẻ các hành tinh trong các hệ nhị phân nói trên cũng vậy.
Tuy nhiên theo Sci-News, các nhà thiên văn đã xác định được cơ chế khó tin. Khi sao lùn trắng tồn tại trong một hệ sao đôi, lực hấp dẫn của ngôi sao đồng hành khiến vật chất từ "thây ma" bị tuôn ra, tạo thành một đĩa phẳng và quay y như đĩa tiền hành tinh hay được quan sát ở các ngôi sao non trẻ.
Họ đã xác định được không ít các dấu hiệu về sự hình thành hành tinh trong các đĩa khí bụi này, và kết luận đó phải là đĩa tiền hành tinh "thế hệ thứ hai" chứ không phải cái gì khác.
Cơ chế hình thành hành tinh bất thường này đã làm đảo lộn mọi lý thuyết thiên văn. Ngạc nhiên hơn, nó phổ biến. Nhóm nghiên cứu đã xem xét 85 hệ sao đôi tiến hóa và 10% trong số đó đã xuất hiện đĩa tiền hành tinh bất ngờ này.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.
Bình luận (0)