Nghiên cứu phối hợp giữa Trung tâm Nghiên cứu Đại Dương GEOMAR Helmholtz ở Kiel (Đức), Đại học Khoa học công nghệ King Abdullah ở Thuwal (Ả Rập Saudi) và Đại học Iceland đã công bố một nghiên cứu đột phá cho thấy Biển Đỏ không hẳn là một vùng biển nhỏ bé như chúng ta đang nhìn thấy mà là một đại dương "sơ sinh". Vùng biển chỉ dài 2.250 km, nơi rộng nhất 355 km này sẽ nhanh chóng nở to trong tương tai.
Cấu trúc đáy Biển Đỏ cho thấy nó là một đại dương đang hình thành - Ảnh: GEOMAR
Bài công bố trên Nature Communications khẳng định một lưu vực đại dương mới, mặc dù vẫn còn hẹp, thực sự đang hình thành giữa châu Phi và bán đảo Ả Rập. Lớp vỏ đại dương mới đang hình thành theo đường nứt, hẹp, thẳng theo hướng Bắc – Nam, bị vùi lấp dưới một lớp muối và trầm tích dày. Đó là lý do bấy lâu người ta không phát hiện ra nó.
Theo Sci-tech Daily, cấu trúc đặc biệt này đã được phát hiện thông qua việc xây dựng bản đồ đáy biển có độ phân giải cao, phân tích hóa học nhiều mẫu đá, kết hợp với dữ liệu trọng lực và địa chấn để tạo nên mô hình kiến tạo lưu vực Biển Đỏ. Các dị thường trọng lực chính là thứ then chốt giúp phát hiện các cấu trúc ẩn dưới đáy biển.
Tiến sĩ Nico Augustin từ GEOMAR, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết họ đã giới hạn được thời gian bắt đầu mở rộng đại dương ở Biển Đỏ và khoảng 13 triệu năm trước. "Điều đó có nghĩa Biển Đỏ không còn là một đại dương nhỏ, mà là một đại dương trẻ với cấu trúc tương tự như vùng nam Đại Tây Dương trẻ cách đây 120 triệu năm" – ông kết luận.
Quá trình hình thành đại dương mới này là một phần của hoạt động kiến tạo, hay kiến tạo mảng, một "đặc sản" của Trái Đất, vốn rất quan trọng trong việc giữ cho khí quyển, từ quyển và khí hậu của hành tinh được ổn định. Hoạt động này đã nhiều lần xáo trộn các đại dương và lục địa của Trái Đất, thậm chí gom toàn bộ đất đai thành một "siêu lục địa", khiến toàn bộ diện tích còn lại trở thành siêu đại dương duy nhất, sau đó lại phân tách ra thành nhiều lục địa và đại dương như ngày nay.
Bình luận (0)