Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Environental Science, các thành phố Maya đã bị nhiễm độc nghiêm trọng trong Thời kỳ Cổ điển - những năm 250 đến 1100 sau Công Nguyên.
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi giáo sư - tiến sĩ Ducan Cook từ Trường Đại học Australian Catholic đã nghiên cứu đất và trầm tích tại các di tích Maya bao gồm Chunchumil ở Mexico; Marco Gonzales, Chan b’I và Actuncan ở Belize; La Corona, Tikal, Petén Itzá, Piedras Negras và Cancuén ở Guatemala; Palmarejo ở Honduras; Cerén ở El Salvador.
Một nhà khoa học đang nghiên cứu mộ phần của Nữ Hoàng Đỏ - Ảnh: ANCIENT ORIGINS
Kết quả thực sự gây sốc: Tất cả các thành đô này đều bị nhiễm độc thủy ngân với nồng độ dao động từ 0,016 ppm đến 17,16 ppm trong các mẫu, cao nhất là Tikal lừng danh trong rừng mưa Guatemala.
Mức 17,16 ppm của Tikal có thể coi như con số địa ngục, bởi ngưỡng tác động độc hại với con người của thủy ngân trong trầm tích là 1 ppm.
"Ô nhiễm thủy ngân trong môi trường thường được tìm thấy ở các khu đô thị hiện đại, khu công nghiệp. Việc phát hiện ra thủy ngân sâu trong đất và trầm tích ở các thành phố cổ đại là điều khó giải thích, cho đến khi chúng tôi bắt đầu xem xét dữ liệu khảo cổ của khu vực và biết được rằng người Maya đã sử dụng thủy ngân trong nhiều thế kỷ" - tờ Heritage Daily dẫn lời giáo sư Cook.
Các bình kín chứa đầy thủy ngân nguyên tố đã được tìm thấy ở một số di tích tại Guatemala, Honduras và Mexico; tuy nhiên một thứ khác, phổ biến hơn, ma mị hơn, gắn liền với văn hóa Maya được tìm thấy hầu như ở mọi nơi: Sơn và bột chu sa.
Theo văn hóa Maya, các đồ vật có thể mang "chu'lel", tức "linh hồn lực", có trong máu. Màu đỏ là biểu tượng của máu. Vì thế sắc tố đỏ trở nên phổ biến trong các nghi lễ. Người ta từng đào được những mộ cổ Maya mà hài cốt được bao phủ bởi màu đỏ son rực rỡ qua hàng thế kỷ, như mộ của các chiến binh hay nổi tiếng nhất là mộ Nữ Hoàng Đỏ.
Hài cốt Nữ Hoàng Đỏ vẫn đỏ như máu sau hàng thế kỷ nhờ được bao phủ phẩm màu nguồn gốc chu sa, một loại khoáng vật giàu thủy ngân - Ảnh: ANCIENT ORIGINS
Thế nhưng, những ngôi mộ đó thực sự mang "lời nguyền" chết chóc, bởi chúng chứa đầy chu sa, tức đầy thủy ngân.
Vô tình, thứ sắc màu biểu trưng cho uy quyền và sức mạnh này cũng đem đến một lời nguyền có thực cho người Maya.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh lượng thủy ngân được tìm thấy trong các thành đô từng phồn thịnh và sụp đổ bí ẩn này đều đủ gây nguy hiểm cho sức khỏe người Maya cổ đại.
Chắc chắn cư dân Maya đã hứng chịu tác động của nhiễm độc thủy ngân mạn tính bao gồm tổn thương hệ thần kinh trung ương, gan, thận, suy giảm thị lực, giảm thính giác, run tay chân, yếu liệt, rối loạn tâm thần...
Một số bức bích họa mô tả người cai trị Maya cuối cùng tên Dark Sun ở Tikal có thân hình béo phì kỳ dị, rất giống người bị hội chứng chuyển hóa nặng do nhiễm độc thủy ngân mạn tính.
Cần thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá tổng thể tác động của ô nhiễm thủy ngân lên cộng đồng đã đi vào huyền thoại với các kiến thức khoa học kỹ thuật, kiến trúc "vượt thời gian" này, nhưng các nhà khoa học tin rằng nó đã ảnh hưởng không ít đến các thay đổi văn hóa - xã hội cũng như sự suy vong của đế chế hùng mạnh.
Bình luận (0)