Đó lại là mẫu vật có thể coi như "thủy tổ của muôn loài" - được đặt tên là Protocodium sinense, là loài tảo lục đầu tiên và lâu đời nhất từ kỷ Ediacaran (635-539 triệu năm trước).
Mẫu vật được khai quật từ Hệ tầng Dengying ở tỉnh Thiểm Tây, phía Nam Trung Quốc, được bảo tồn trong không gian ba chiều, cho phép các nhà cổ sinh vật học khám phá cấu trúc bên trong của nó với độ chính xác chưa từng có.
Cận cảnh vẻ ngoài và mặt cắt của "xác ướp" gây kinh ngạc nhất thế giới - Ảnh: BMC Biology
Đây là một phát hiện bằng kim cương đối với các nhà cổ sinh vật học, bởi chỉ riêng việc tìm ra hóa thạch của một dạng mô mềm đã là khó khăn, tìm ra một thứ bảo quản chi tiết đến cấp độ dưới tế bào, giống như một xác ướp công phu và chưa bị thời gian phá hoại, là phát hiện vô song.
Tờ Sci-News dẫn lời tác giả chính là tiến sĩ Cédric Aria từ Đại học Toronto và các Bảo tàng Hoàng gia Ontario - Canada: "Khám phá về nó chạm đến nguồn gốc của toàn bộ vương quốc thực vật và đặt nền móng cho các sinh vật trước vụ nổ kỷ Cambri hơn nửa tỉ năm trước, khi hệ sinh thái hiện đại đầu tiên trên thế giới xuất hiện".
Loài tảo kỳ lạ này là những vi khuẩn hình cầu nhỏ có đường kính khoảng 0,5 mm, giống như những hạt phấn lớn, được bao phủ bởi vô số miếng vảy hình vòm nhỏ li ti.
Nhờ vào cuộc kiểm tra 3D, Tiến sĩ Aria và các đồng nghiệp đã xác định được bề mặt hình vòm là một phần của một tế bào đơn, phức tạp có chứa các sợi mảnh gọi là siphons. Hình thái này là điển hình của một số loài tảo biển đơn bào hiện đại có chứa nhiều nhân.
Những hình ảnh chi tiết về cấu trúc của sinh vật sơ khai được bảo tồn hoàn hảo - Ảnh: BMC Biology
Ngoài kích thước cực nhỏ, Protocodium sinense trông giống hệt với Codium hiện đại, một loại tảo lục được tìm thấy ở nhiều vùng biển trên toàn thế giới.
Từ góc độ tiến hóa, tảo lục như Protocodium sinense cổ đại và các loài thực vật trên cạn có chung tổ tiên được cho là khoảng 1-1,5 tỉ năm tuổi. Tuy nhiên "xác ướp" vi khuẩn sơ khai này với nhiều đặc tính rất gần với nhóm hiện đại đẩy ngược thời gian lịch sử của toàn bộ vương quốc thực vật.
Không những thế, nó còn là một "hóa thạch sống" theo lời tiến sĩ Aria: "Có thể nói rằng nó thực tế vẫn không thay đổi trong ít nhất 540 triệu năm. Với kỷ Ediacaran, sự tiến hóa đã hướng nó đến một vùng thích ứng ổn định, nó rất thoải mái và hơn thế nữa, khá thành công. Ngày nay Codium vẫn tận dụng lợi thế đó trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với các loài tảo khác".
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học BMC Biology.
Bình luận (0)