Nhóm khoa học gia từ Đại học Harvard cho biết chuyến "tàu vũ trụ" đặc biệt đó chính là ngôi sao băng từng lướt qua khí quyển Trái Đất năm 2017, làm sáng rực bầu trời nước Úc. Khi đi vào bầu khí quyển, nó đã thu thập khoảng 10.000 vi sinh vật bản địa từ Trái Đất, mang chúng vào một chuyến du hành vũ trụ dài ngày.
Sao băng có thể đã mang sự sống Trái Đất đi "gieo mầm" ở hành tinh khác - ảnh minh họa từ SPACE
Vì vậy, bằng chứng mới được nêu ra trong một nghiên cứu gây sốc về Sao Kim hồi đầu tháng - sự xuất hiện của "khí ma trơi" phosphine - có thể là do những vi sinh vật này tạo ra. Bởi lẽ ở Trái Đất, phosphine cũng là thứ sản phẩm "phế thải" từ hoạt động sống của sinh vật, mà cụ thể là do những vi sinh vật trú ngụ trong cơ thể động vật sống và các xác chết tạo thành.
Dấu hiệu trên Sao Kim cho thấy các vi sinh vật có thể trú ngụ ở độ cao khoảng 69 km từ bề mặt hành tinh, bên trong những đám mây. Sao băng - một tiểu hành tinh cỡ nhỏ - trước đó đã "gieo mầm" thuận lợi ở độ cao 83,7 km khi nó đi vào bầu khí quyển của hành tinh này, trước khi bản thân ngôi sao băng rơi xuống sâu hơn và bị tan rã.
Theo các tác giả - 2 nhà khoa học hành tinh Amir Siraj và Avi Loeb, việc đem một mẫu khí quyển Sao Kim về Trái Đất phân tích sẽ giải quyết vấn đề. Hiện nay, nhiều cơ quan không gian, bao gồm NASA, đang sẵn có các dự án khảo sát hành tinh này bởi ngày càng có bằng chứng cho thấy nó rất giống Trái Đất và có thể chưa "chết" như chúng ta nghĩ.
Vừa qua, nhiều nghiên cứu đã cho thấy tầng mây trên Sao Kim có thể là nơi trú ngụ hoàn hảo cho sự sống, cũng như hành tinh này vẫn còn hoạt động địa chất giống như Trái Đất, điều kiện cần để duy trì trạng thái ổn định cần thiết cho môi trường sống.
Bình luận (0)