Một nhóm khảo cổ vừa khai quật ở Ain Boucherit (Algeria) hàng loạt công cụ bằng xương và đá cổ đại. Kết quả giám định dường như đã bác bỏ luận điểm cái nôi của loài người là khu vực Đông Phi.
Một số công cụ mới được phát hiện ở Bắc Phi - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Các công cụ bằng đá và xương được chế tạo rất kỳ công, ước tính có niên đại 2,4 triệu và 1,9 triệu năm trước, rất giống các công cụ 2,6 triệu năm tuổi được tìm thấy ở Ethiopia. Đây được cho là nơi đầu tiên trên thế giới con người ra đời, bắt đầu thoát khỏi thế giới động vật bằng hành động sử dụng công cụ lao động.
Tiến sĩ M. Sahnouni, tác giả chính của nghiên cứu, Giám đốc Dự án Ain Hanech, nói rằng bằng chứng từ Algeria đã thay đổi quan điểm trước đó về Đông Phi là cái nôi của nhân loại. Thực ra, toàn bộ châu Phi là cái nôi của nhân loại.
Các công cụ xương - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Theo đó, tổ tiên của chúng ta – loài hominin sớm - có vẻ đã lang thang khắp vùng Sahara, rải khắp nơi các dấu tích sơ khai của văn minh.
Nhiều công cụ được làm từ đá vôi và đá lửa có sẵn tại địa phương, có khả năng có nguồn gốc từ một dòng suối cổ gần đó, bao gồm mọi thứ từ đầu vũ khí, công cụ cắt và chế biến thịt. Các công cụ xương được chế tác từ xương ma mút, voi, ngựa, tê giác, hà mã, linh dương hoang dã, lợn, linh cẩu, cá sấu…
Địa điểm phát hiện di chỉ mới nhất - ảnh: DAILY MAIL
Ngoài ra, nhiều bằng chứng khác cho thấy các hominin cổ đại đã lang thang trên khắp châu Phi từ tận 2,8 triệu năm trước chứ không riêng gì thánh địa Ethiopia.
Các nhà khoa học đã theo đuổi nhiều cuộc khảo cổ kéo dài hàng năm ròng, chia làm 2 đợt: 2006-2008 và 2009-2016. Mất khá nhiều thời gian để từ những mảnh vụn bé nhỏ đó, lịch sử loài người được tái hiện sống động lần nữa.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science.
Bình luận (0)