Năm 2008, nhóm khoa học gia vận hành Kính viễn vọng không gian Hubble đã phát hiện ra một vật thể được cho là hành tinh ngoài hệ mặt trời đầu tiên có thể được phát hiện trực tiếp dưới ánh sáng khả kiến, tức thật sự có thể "nhìn" thấy được qua dụng cụ thiên văn. Nó được đặt tên là Formalhaut b.
Sự thật về "hành tinh ma: - ảnh đồ họa từ Sci-News
Thế nhưng "hành tinh" này ngày càng thể hiện những tính chất kỳ lạ. Quay quanh một ngôi sao cách chúng ta chỉ 25 ánh sáng và có thể được quan sát bằng các phương tiện quang học thông thường là vậy, nhưng nó lại vô hình khi người ta thử quan sát bằng tia hồng ngoại – điều hoàn toàn ngược với các hành tinh ngoài hệ mặt trời khác.
"Hành tinh" kỳ lạ đã mờ dần và như bị tan loãng, khiến các nhà khoa học nghi ngờ và lật lại hồ sơ - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Ngoài ra, nó còn có một quỹ đạo khá lộn xộn chứ không phải hình elip như các hành tinh khác trong vũ trụ. Thiên thể này cũng mờ dần theo thời gian một cách khó hiểu.
Nhóm khoa học gia từ Đài thiên văn Steward thuộc Đại học Arizona đã quyết định phân tích lại dữ liệu lần nữa. Bài công bố của họ trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences thực sự gây sốc: Formalhaut b mà loài người nhìn thấy 12 năm nay không hề tồn tại.
Cái được gọi là "hành tinh" Formalhaut b chỉ là một đám mây bụi khổng lồ, hậu quả từ vụ va chạm thảm khốc của 2 hành tinh khổng lồ. Chúng lao vào nhau, vỡ nát và tạo ra thứ kỳ dị, tỏa sáng mà chúng ta đã nhìn vào.
Như vậy, sao mẹ của nó – Fomalhaut, một ngôi sao lớn hơn mặt trời của chúng ta 20 lần, có thể vẫn chỉ là kẻ cô đơn với một vòng bụi xung quanh. Đám mây "bóng ma" Fomalhaut b cũng đang từ từ bị phân tán vào không gian, đang mờ dần và có lẽ sẽ sớm biến mất.
Bình luận (0)