Kết quả định tuổi bằng đồng vị carbon cho thấy cô gái trong mộ đã mất 4.900 năm trước vì một căn bệnh bí ẩn và vẫn còn dấu tích DNA của một loài vi khuẩn cổ đại trên thân thể.
Cận cảnh ngôi mộ cổ chứa chủng cổ đại của vi khuẩn dịch hạch - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Cô chết đúng vào giai đoạn cộng đồng đồ đá mới trên khắp châu Âu bị suy giảm nghiêm trọng bởi một lý do bí ẩn chưa ai biết.
DNA còn sót lại của vi khuẩn gây ra cái chết cho cô gái trẻ cho thấy nó là một chủng cổ xưa của Yersinia pestis – vi khuẩn bệnh dịch hạch, căn bệnh từng gây những đại dịch khủng khiếp thời kỳ cận đại – hiện đại.
Các nhà khoa học hết sức bất ngờ vì nguồn gốc của vi khuẩn dịch hạch lại cổ xưa đến thế. Đối chiếu với dữ liệu phân tích mới đây tại một ngôi mộ đá vôi cũng tại Thụy Điển - nơi chôn cất của 78 người chết rải rác trong khoảng thời gian 200 năm, cùng niên đại với cô gái nói trên - và một số tài liệu khảo cổ khác, các nhà khoa học tin rằng một đại dịch dịch hạch đã càn quét văn minh đồ đá mới ở châu Âu trong những năm đó.
"Nhiều người đã chết trong một thời gian tương đối ngắn ở cùng một nơi. Điều đó cho thấy họ đã chết cùng nhau bởi cùng dịch bệnh" - tác giả chính Nicolás Rascovan, nhà sinh vật học tại Đại học Aix-Marseille ở Marseille - Pháp, phát biểu trên Live Science.
Loại vi khuẩn trong ngôi mộ cổ này không hoàn toàn giống với vi khuẩn dịch hạch hiện đại. Nó gây ra dịch hạch phổi, là hình thức nguy hiểm bậc nhất của bệnh dịch hạch trong lịch sử nhân loại. Trong khi đó, "cái chết đen" mà người hiện đại biết tới thường lây lan đến các hạch bạch huyết và gây viêm.
Các bằng chứng cho thấy chủng vi khuẩn cổ đại này đã tách khỏi cây gia đình vi khuẩn dịch hạch và tạo một hình thức bệnh riêng biệt từ 5.700 năm trước. Vi khuẩn này có thể theo chân những người di cư từ thảo nguyên Á – Âu xuống châu Âu vào khoảng 5.000 năm trước.
Bình luận (0)