Suốt 14 năm kể từ 1997 đến 2011, các nhà nghiên cứu của Đại học California (bang California, Mỹ) đã tổng hợp, so sánh và phân tích tỉ mỉ dữ liệu từ 500.000 ca sinh ở Thung lũng San Joaquin, một vùng sản xuất nông nghiệp ở nước này và mức độ sử dụng thuốc trừ sâu trong khu vực.
Phụ nữ phơi nhiễm thuốc trừ sâu có nguy cơ sinh con dị tật rất cao - Ảnh: INDEPENDENT
Trong những năm đó, trung bình có 975 kg thuốc trừ sâu được sử dụng mỗi năm cho mỗi diện tích 2,6 km2. Một trong những loại cây nhận được nhiều thuốc trừ sâu nhất là nho, với khoảng 50kg mỗi ha/năm.
Những phụ nữ ở đây đã phơi nhiễm các hóa chất trong thuốc trừ sâu qua nhiều năm tháng. Chỉ cần sống ở nơi có khoảng 4.000 kg thuốc trừ sâu được sử dụng qua các năm nghiên cứu, tỉ lệ sinh con dị tật đã là 9% và tỉ lệ sinh non là 8%. Ở một số khu vực nhỏ, tổng lượng thuốc trừ sâu được sử dụng lên đến 11.000 kg hoặc hơn, các nhà khoa học thấy rằng có đến 11% trẻ bị sinh non và 20% trẻ bị nhẹ cân khi sinh.
Trong bài viết được công bố trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu nói trên đã so sánh điều này với những nghiên cứu trước - về sự gia tăng 5%-10% nguy cơ sinh con một cách bất lợi do những tác động của môi trường ô nhiễm và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo họ, thuốc trừ sâu là một "thách thức bổ sung" bên cạnh các vấn đề ô nhiễm khác.
Các nhà khoa học gợi ý rằng nhà chức trách cần có các biện pháp đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các khu vực sử dụng nhiều thuốc trừ sâu để giảm bớt mức độ phơi nhiễm.
Các nhà khoa học ở Anh thì lo ngại rằng ở quốc gia họ, tổng lượng thuốc trừ sâu trung bình sử dụng trong các cánh đồng được quản lý chặt chẽ gấp 1,5 lần so với mức trung bình được báo cáo trong nghiên cứu của Mỹ. Thế nhưng, một cách đầy hoài nghi, các báo cáo về tác động bất lợi có liên quan đến thuốc trừ sâu thì chỉ đưa ra mức độ nguy hại khoảng 1/10.
Bình luận (0)