Nhóm nghiên cứu do nhà thiên văn Jeonghee Rho, đến từ Viện SETI (California - Mỹ) vừa nắm bắt được dấu vết của silica – hợp chất hóa học tạo nên thủy tinh – trong 2 siêu tân tinh mang tên Cassiopeia A và G54.
Một ngôi sao cổ đại đã chết, hóa thành siêu tân tinh và để lại di vật là thủy tinh cho trái đất - ảnh: BBC
Họ đã sử dụng những dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA, nghiên cứu bước sóng ánh sáng mà các siêu tân tinh này phát ra để giải mã thành phần hóa học của vật liệu thiên thể. Sau đó, các dữ liệu từ Đài quan sát vũ trụ Herschel của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã ước tính lượng silica được tạo ra bởi một siêu tân tinh.
Siêu tân tinh vốn là một ngôi sao đang trong giai đoạn bùng nổ lần cuối trước khi lụi tàn. Trong giai đoạn bùng nổ đó, siêu tân tinh giải phóng các vật liệu từng được ngôi sao cất giữ khi còn "sống".
Nhóm khoa học gia đã quay ngược thời gian và kết luận rằng rất hàng triệu năm về trước, một siêu tân tinh cổ đại đã bùng nổ theo cách tương tự, xé toang các ngọn núi cất giấu rất nhiều silica của nó. Silica này hòa lẫn với bụi vũ trụ, bám lên các thiên thể xung quanh nó, phát tán đi khắp nơi bởi các thiên thạch.
Một trong những hành tinh may mắn có được "di vật" silica đó là trái đất. Nhờ vậy, chúng ta có thủy tinh để sử dụng. Các bước nghiên cứu cho thấy khi còn "sống", siêu tân tinh đó là một ngôi sao khổng lồ màu đỏ.
Ước tính silica chiếm khoảng 60% vỏ trái đất, được tìm thấy trong vũ trụ và trong các thiên thạch có tuổi đời còn cổ xưa hơn Hệ Mặt trời.
Ngoài ra, vụ nổ khủng khiếp dưới hình dáng một siêu tân tinh có thể hợp nhất một số nguyên tử lại với nhau, tạo ra các nguyên tố nặng như lưu huỳnh, canxi và silicon.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Bình luận (0)