52 viên bi thủy tinh thiên thạch màu vàng nhạt vừa được tìm thấy tại dãy núi Transantarctic ở Nam Cực. Nó được xác định là cùng nguồn gốc với rất nhiều viên bi thủy tinh khác được tìm thấy rải rác khắp châu Úc và vùng Nam Á.
Những viên thủy tinh thiên thạch vừa được tìm thấy - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Những viên thủy tinh tuyệt đẹp này được gọi tektites. Các nhà khoa học đã giám định nồng độ kali và natri bên trong chúng, từ đó tính toán ra nơi mà chúng xuất phát. Bởi lẽ, thủy tinh thiên thạch có nồng độ các chất cấu thành khác nhau tùy vào khoảng cách của chúng với nơi mà vụ va chạm xảy ra.
Những viên bi đi xa hơn thường nóng hơn các viên khác khi bị phóng thích và vì vậy, nồng độ kali và natri bên trong chúng bị giảm đáng kể, theo như thành viên nhóm nghiên cứu – ông Matthias Van Ginneken (Đại học Vrije, Bỉ), phân tích. Chính những viên bi mới phát hiện ở Nam Cực đã giúp họ hoàn thành thuật toán.
Dãy núi Transantarctic ở Nam Cực, nơi 52 viên thủy tinh thiên thạch được tìm thấy - ảnh: NASA
Thành viên khác của nhóm nghiên cứu – ông Matthew Genge, giảng viên về Trái đất và khoa học hành tinh tại Imperial College London, cho biết phát hiện mới này đã hé lộ vị trí một thiên thạch đường kính tới 20 km rơi xuống trái đất vào khoảng 800.000 năm trước. Theo tính toán, nó đã rơi đâu đó ở khu vực Đông Nam Á, mà xác suất lớn nhất là trên phần đất thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay.
Khu vực tìm thấy nhiều thủy tinh thiên thạch nhất là vùng trải rộng từ Nam Á đến Úc, rộng khoảng 14.000 km2. Hố thiên thạch trung tâm nằm tại Việt Nam có nghĩa là nhiều viên bi thủy tinh đã bị bắn đi xa tới 11.000 km!
Bình luận (0)