Các nhà thiên văn học cảnh báo mùa Halloween năm nay, trái đất tiếp tục đón người khách quen là tiểu hành tinh 2015 TP145, còn có tên là "tiểu hành tinh đầu lâu", "tiểu hành tinh Halloween", "sao chổi chết chóc" hay "bí ngô vĩ đại".
Ảnh đồ họa của SINC về tiểu hành tinh đầu lâu
Nó là một trong những thiên thể gây hốt hoảng nhất bởi mang hình dạng một chiếc đầu lâu khổng lồ và từng đe dọa trái đất với khoảng cách cực gần, ngay lễ Halloween ngày 31-10-2015. Đường kính tiểu hành tinh khoảng 610 m.
Ảnh thật ma quái của tiểu hành tinh - ảnh: NASA
Góc nghiêng của chiếc đầu lâu không gian - ảnh: NASA
Dịp lễ Halloween nó tiến đến khá gần trái đất, vào ngày 11-11 sẽ ở gần nhất với khoảng cách 38,6 triệu km. Rất may, lần này nó cũng chỉ sượt qua trái đất giống như lần trước với khoảng cách xa hơn nhiều. Năm 2015, tiểu hành tinh đầu lâu bay lướt qua chúng ta với khoảng cách chỉ 486.000 km, một khoảng cách nguy hiểm giữa các thiên thể.
Quỹ đạo của trái đất có hình tròn, màu xanh; quỹ đạo của tiểu hành tinh đầu lâu là hình elip màu trắng. Ẩnh đồ họa của Tomruen cho thấy 2 thiên thể đang tiến về điểm giao nhau giữa 2 quỹ đạo
Theo nhà khoa học Vishnu Reddy đến từ Viện Khoa học Hành tinh ở Tucson, Arizona - Mỹ, tiểu hành tinh nói trên có nickname "sao chổi chết" không chỉ vì hình dạng đầu lâu, mà các bước nghiên cứu cho thấy nó rất có thể là "hài cốt" của một ngôi sao chổi đã chết, bị lột bỏ hết các chất bay hơi trên đường di chuyển. Hiện nó phản chiếu 6% ánh sáng mặt trời, sáng hơn sao chổi điển hình một chút.
Tiểu hành tinh đầu lâu - ảnh động của NASA
Những hình ảnh rõ nét nhất của tiểu hành tinh ma quái này được chụp bởi kính thiên văn Green Bank đặt tại Tây Virginia - Mỹ.
Theo tính toán của các nhà khoa học, mùa Halloween này sẽ là dịp hiếm hoi để các kính thiên văn nắm bắt được hình ảnh ma quái của nó một lần nữa. Bởi lẽ lần tiếp theo nó tiếp cận gần trái đất sẽ là 60 năm sau, vào ngày 1-11-2088, cũng với khoảng cách gần là 8 triệu km.
Bình luận (0)